Số người bị giết ở Syria đã lên đến 8.000 và không dừng lại ở đó.
Một năm sau ngày nổi dậy chống chính phủ, trong khi người dân Libya đã được tự do thì người dân Syria vẫn chìm trong bạo lực đẫm máu.Người dân ở Libya và Syria đều nổi dậy để lật đổ hàng thập kỷ cầm quyền của chế độ độc tài. Một năm sau, tại sao người dân hai nước này lại ở trong thực tế khác xa nhau đến thế? Có lúc khi cuộc nổi dậy ở Libya vẫn đang diễn ra, người dân nước này nhìn vào màn ảnh truyền hình một cách lo lắng.
Họ đang theo dõi những sự kiện ở Syria sau khi đã nổi dậy để chống lại một người đã đàn áp họ một cách tàn bạo trong hàng chục năm.
Mặc dù thấu hiểu khát vọng tự do của người Syria, người dân Libya lo lắng rằng sự quan tâm của thế giới sẽ nhanh chóng chuyển sang các cuộc đàn áp dã man của Tổng thống Bashar al-Assad.
Họ lo sợ rằng cuộc chiến đấu và các nhu cầu của họ sẽ bị quên lãng và Syria sẽ trở thành ưu tiên của thế giới.
Họ thật là sai lầm!
Lybia đoàn kết
Phải chăng những kẻ quan sát bên ngoài dễ dàng đoàn kết chống lại Đại tá Muammar Gaddafi, một người mà đối với thế giới là một ông già điên khùng, hơn là đối với một ông Assad với dáng vẻ lịch thiệp và giọng điệu vừa phải?
Chắc chắn điều này làm cho Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dễ dàng thông qua một nghị quyết về Libya mở đường cho can thiệp quân sự.
Tuy nhiên, trong vấn đề này còn các nhân tố khác quan trọng hơn.
Mặc dù sợi chỉ đỏ kết nối tất cả các cuộc nổi dậy gần đây trong thế giới Ả Rập là khát vọng tự do, giữa chúng không phải là không có cách biệt.
Khác với Syria, trường hợp của Libya dễ dàng hơn nhiều.
Không có sự phức tạp về giáo phái. Đa số người dân Libya đoàn kết vì chính nghĩa của họ.
Ở Syria, trái lại, bất cứ ai toan tính can thiệp quân sự đều buộc phải cân nhắc mọi yếu tố sai lầm ở Iraq và cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài ở nước láng giềng Lebanon.
Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe đã đề cập đến một ‘cuộc nội chiến thảm khốc’ nếu phương Tây vũ trang cho phe đối lập.
Và còn trữ lượng dầu mỏ giàu có của Libya. Liệu phương Tây có thể ngồi chờ kết quả được báo trước của cuộc nổi dậy ở Libya?
Về mặt địa lý và chính trị, Libya và Syria cũng tồn tại nhiều khác biệt.
Syria có bạn
Libya đã trả giá rất nhiều nhân mạng mới giành được tự do
Syria là bãi mìn ngoại giao cho cả những người đang cố gắng lật đổ chế độ và các cường quốc phương Tây đang cân nhắc làm cách nào để giúp đỡ những người này.
Chính phủ của ông Assad có đồng minh ở Tehran và ở Lebanon là lực lượng Hezbollah.
Nước láng giềng Lebanon có nhiều lý do để lo sợ một cuộc chiến tranh ở ngay trước cửa của họ.
Quốc gia này đang phải cố gắng chống đỡ làn sóng người tị nạn và công luận của họ đang bị chia rẽ đối với việc có nên ủng hộ cho Quân đội giải phóng Syria hay là né tránh do lo sợ một cuộc chiến tranh nữa từ bên trong lãnh thổ của họ.
Cựu lãnh đạo Libya, trong khi đó, đã tự mình cô lập mình với phần lớn phần còn lại của thế giới trong hầu hết thời gian cai trị của ông.
Những người đứng đầu các quốc gia láng giềng và phần lớn thế giới Ả Rập khinh ghét ông – hoặc công khai hoặc bí mật.
Gaddafi chắc hẳn đã dự trữ đủ vũ khí trên khắp cả nước để tuyên chiến với thế giới – điều này đã tạo một lợi thế cho các đối thủ của ông trong những ngày đầu của cuộc chiến.
Không còn đường lùi
Trong trường hợp của Syria, điều gì đã xảy ra đối với những người dân đã xuống đường một năm trước đây để kêu gọi chấm dứt chế độ Assad và đòi hỏi những quyền tự do cơ bản?
Nhiều người trong số họ đã chết. Nhưng họ để lại phía sau những người thân kiên cường và những người biểu tình không còn biết sợ – những người tin rằng bây giờ thái độ đấu tranh của họ đã được biết đến công khai thì bằng cách nào họ cũng chết nếu họ rơi vào tay bính lính chính phủ.
Đối với họ và những người đã rời bỏ hàng ngũ quân đội để tham gia vào phe đối lập, họ không còn đường lùi.
Điều này đặt phương Tây và chính phủ của ông Assad vào một vòng xoáy của việc không biết chắc phải làm gì tiếp theo và vòng xoáy này dường như không có điểm dừng.
Rana Jawad
Theo: BBC News