Tái cơ cấu kinh tế: Chi phí ở đâu ra ?

Phạm Huyên, theo Vef

Ngày 19/4, đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế sẽ được “mổ xẻ” tại phiên họp của UBTVQH. Không nhận diện thẳng thắn mô hình kinh tế hiện tại, lại chưa rõ sẽ dựa vào nguồn lực nào để triển khai, đề án đang khiến nhiều chuyên gia kinh tế cảm thấy thiêu thiếu và có phần mông lung.

Dự kiến Chính phủ sẽ trình đề án tái cơ cấu kinh tế ra Quốc hội ở kỳ họp vào tháng 5 tới.

Xuất phát điểm còn mù mờ

“Không có gì mới. Đề án tái cơ cấu tổng thể kinh tế vẫn mang dáng vẻ của kế hoạch 5 năm hay to hơn nữa là chiến lược 10 năm vừa được thông qua trong Đại hội XI vừa rồi”, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh bình luận.

Lý giải điều này, TS Vũ Đình Ánh nói, Hội nghị Trung ương 3 đặt vấn đề triển khai tái cơ cấu nên kinh tế, tập trung nhấn mạnh 3 bộ phận: đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống tài chính – ngân hàng. Nhưng rõ ràng, đã tái cơ cấu thì không thể tách bạch ra từng bộ phận được.

Do đó, đề án này ít nhất phải là một dạng tổng hợp của cả 3 đề án “lẻ” kia và đưa ra các nguyên tắc chủ đạo để xử lý mối quan hệ giữa các bộ phận. Vì lẽ đó, bản đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế giống như bản hệ thống lại các vấn đề và giải pháp đã và đang triển khai trên từng lĩnh vực là tất yếu.

Tuy nhiên, ở tầm vóc tổng thể, muốn có đột phá, thay đổi căn bản về chất, đề án tái cơ cấu kinh tế sẽ phải mô tả được hiện nay, mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam là gì? Bản nghiên cứu đó sẽ phải chứng minh được rằng, mô hình hiện nay là không còn thích hợp, những ưu điểm đã khai thác hết rồi và do đó phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

“Điểm này vẫn chưa rõ ràng. Người ta nói nhiều về đổi mới nhưng cái hiện tại thì lại không sáng rõ”, ông Ánh chia sẻ.

Có lẽ bởi thế, hình dung tương lai về kết quả tái cơ cấu – một mô hình tăng trưởng thay thế, khắc phục được các khuyết tật của mô hình hiện tại cũng chưa rõ ràng.

Theo ông Ánh, khi nhận diện rõ vấn đề, dựa vào đó, 3 đề án cụ thể cho 3 lĩnh vực mới có nền tảng thực thi.

Thực ra, hiện trạng nền kinh tế Việt Nam có khiếm khuyết gì, cần khắc phục ra sao đã được xới xáo rất nhiều trên các diễn đàn. Tuy vậy, e ngại của TS Vũ Đình Ánh là ở tinh thần xuất phát điểm “tự nhận ra chính mình” liệu đã đầy đủ, toàn diện chưa, khi mà bản đề án tái cơ cấu tổng thể có tầm quan trọng tựa như một văn kiện lớn đánh dấu mốc bước ngoặt lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam về sau.

“Tôi cảm giác là đề án vẫn chưa nghiêm túc”, ông Ánh thẳng thắn nói.

Ông cho rằng, trong các tổng kết kế hoạch 5 năm, không thấy ai phân tích rõ những việc mình chưa làm được và chỉ rõ cụ thể nguyên nhân vì sao chưa đạt yêu cầu. Các bản tổng kết này đều đánh giá chung chung.

TS Ánh lấy ví dụ: Như chuyển dịch tái cơ cấu ngành nghề ở khu vực nông thôn chẳng hạn, mục tiêu đến năm 2010, khu vực nông nghiệp phải giảm tỷ trọng xuống 15% trong GDP thì hiện, vẫn còn trên 21% GDP. Vấn đề là chúng ta không giải quyết được câu hỏi, vì sao chuyển dịch mãi mà không đạt yêu cầu? Rõ ràng, trong câu chuyển dịch cơ cấu đó, chúng ta còn hời hợt trong nhìn nhận.

Mặc dù năm 2020, Việt Nam được đặt mục tiêu cơ bản là nước công nghiệp hiện đại nhưng đến nay, chúng ta vẫn còn rất mù mờ về mục tiêu muốn đạt tới. Quả là rất khó đánh giá chuyển dịch cơ cấu ở từng giai đoạn thì liệu tới năm 2020, Việt Nam có là nước công nghiệp hay không thì không rõ.

Bày tỏ quan điểm về đề án tái cơ cấu, TS Lê Đăng Doanh chia sẻ, điểm quan trọng nhất là cần phải cải cách thể chế, bộ máy nhà nước, luật pháp mới tái câu trúc được nền kinh tế. Đề án tái cơ cấu tổng thể sẽ phải bổ sung phần này và gắn kết với các phần khác. Ông nói: “Nếu không có Luật Đầu tư công thì khó khắc phục được căn bệnh của đầu tư công hiện nay. Nếu Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban giám sát tài chính Nhà nước không có cải cách, bổ sung, phối hợp tốt hơn thì tái cấu trúc ngân hàng thương mại có tốt lên không? Các loại thuế, ngân sách phải sửa thì mới khắc phục được nạn tiêu xài, lãng phí”.

“Ba lĩnh vực tái cấu trúc có liên hệ mật thiết với nhau nên cần phải giải quyết các vấn đề liên ngành như giữa tái cấu trúc DNNN với tái cấu trúc ngân hàng, với tái cấu trúc đầu tư công. Nói cách khác, sẽ cần phải xây dựng một đề án tái cấu trúc kinh tế tổng thể, bao gồm cả tái cấu trúc và cải cách thể chế, có bước đi, trình tự thứ tự ưu tiên rõ ràng để Quốc hội thông qua”, TS Lê Đăng Doanh kiến nghị.

Vốn mồi ở đâu?

Một vấn đề quan trọng mà bản đề án dường như chưa đề cập, đó là ai sẽ thực hiện tái cơ cấu với nguồn lực nào? Ai sẽ tái cơ cấu thì có thể dễ thấy câu trả lời nhưng dựa vào nguồn lực nào thì dường như khó xác định.

Tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước cũng sẽ tốn một khoản chi phí (ảnh: Phạm  Huy)ền

TS Lê Đăng Doanh cho rằng, muốn tái cấu trúc, cần có một khoản vốn “mồi” hoặc “bắc cầu” không nhỏ. Đơn cứ như đó là nguồn lực để giải quyết nợ xấu của Ngan hàng thương mại, của thị trường bất động sản, của thị trường chứng khoán, của doanh nghiệp nhà nước.

“Không có khoản tiền đó làm sao tái cấu trúc ngân hàng thương mại, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước được. Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân, do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức mới đây tại Đà Nẵng, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự đoán số vốn đó từ 5-15% GDP. Nhưng số vốn lấy từ đâu ra, đề án phải trình ra Quốc hội tường minh vấn đề này”, TS Doanh nói.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Ánh cho biết, hiện nay các nước thường vẫn tính một khoản là chi phí cải cách, chi phí vượt qua khủng hoảng. Con số này thường là 5-10% GDP, có nước tính 30-40% GDP. Nhưng tại Việt Nam, nếu nói tới chi phí tái cơ cấu thì chẳng ai tính toán cả.

Như vậy, đề án tổng thể và 3 đề án lẻ đều chưa nói rõ cả hai việc, thứ nhất là đánh giá tác động của câu chuyện tái cơ cấu và thứ hai là khoản chi phí cơ cấu lại.

“Dựa trên nguồn lực nào để tái cơ cấu, tôi nghĩ đây là một bài toán đơn giản. Giống như một gia đình nghèo, muốn trong 10 năm chuyển lên sống ở một căn biệt thự cao cấp thì mỗi năm, gia đình này sẽ phải làm được việc gì, đạt được mức nào để 10 năm tới toại nguyện ước muốn. Cấp quốc gia cũng vậy”, TS Ánh bày tỏ.

Chính phủ không làm “đơn thương độc mã” mà còn bao gồm cả đội ngũ các doanh nghiệp Nhà nước, FDI. Theo đề án, doanh nghiệp có vai trò quyết định trong đổi mới và chuyển dịch từng bước tiệm tiến nhưng với chuyển dịch tăng tốc, đột phá thì vai trò của Nhà nước là quan trọng hơn. Nhà nước sẽ kiến tạo và hỗ trợ phát triển bằng việc xác định các ngành ưu tiên, trực tiếp xây dựng hạ tầng, lôi kéo các nhà đầu tư…

Tuy nhiên, theo TS Ánh, chính vì nhận diện chung chung về vai trò như vậy, vẫn còn chưa xác định rõ vai trò của kinh tế Nhà nước và tư nhân nên đề án tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và đầu tư công hãy còn yên ắng.

***

Tái cơ cấu kinh tế: trăm bề khó khăn

Tư Giang, theo TBKTSG

Ngày mai (19-4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề án phức tạp nhất hiện nay mang tên “Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020”.

Đề án tái cơ cấu bao gồm hàng loạt các lĩnh vực như hệ thống tín dụng, thị trường chứng khoán, doanh nghiệp nhà nước và kinh tế ngành, vùng,… và được xem như tín hiệu của công cuộc đổi mới lần hai của Việt Nam.

Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung, một trong những tác giả chính của đề án này cho biết, mục tiêu tổng quát của đề án là phân bố lại nguồn lực hiện nay để làm nền kinh tế trở nên hiệu quả, năng suất, và cạnh tranh hơn.

“Trọng tâm của đề án phân bổ lại nguồn lực, tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), và hệ thống tài chính là bước ban đầu để tạo ra tín hiệu cho thị trường nhằm phân bổ lại nguồn lực của nền kinh tế, làm cho nguồn lực từ ngành năng suất thấp, hiệu quả thấp sang ngành năng suất cao, hiệu quả cao”, ông Cung giải thích.

Theo ông Cung, đề án đưa ra 13 nhóm giải pháp, trong đó có hai nhóm đặc biệt nhằm làm cho môi trường vĩ mô tốt hơn lên để tạo tiền đề tái cơ cấu kinh tế.

Thứ nhất, là phải đạt được ổn định kinh tế vĩ mô chắc chắn và bền vững. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng thương mại cần được tái cơ cấu để tạo ra thị trường tài chính ổn định làm nền tảng cho phân bổ lại nguồn lực.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Tuy nhiên, ông Cung thừa nhận, đây là một đề án rất phức tạp, đụng chạm và ảnh hưởng đến nhiều nhóm lợi ích hiện nay trong nền kinh tế. Ông nói: “Thách thức lớn nhất của tái cơ cấu kinh tế là chưa ai lường được chi phí của nó. Tái cơ cấu nhằm phân bổ lại nguồn lực sẽ tạo ra một giai đoạn không thể tăng trưởng nhanh, nghĩa là sẽ phải có sự đánh đổi. Chúng ta có chấp nhận đánh đổi không?”.

Ông Cung, một trong những người góp công lớn cho Luật Doanh nghiệp năm 2000 tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, lo ngại các nhóm lợi ích đang hưởng lợi từ cơ chế phân bố nguồn lực hiện hành có thể sẽ cố tình làm chậm lại tiến trình tái cơ cấu.

Hơn nữa, nhiều DNNN sẽ phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất khi tái đầu tư công. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của một bộ phận trong khu vực kinh tế được xác định là chủ đạo trong nền kinh tế.

“Chính phủ có bù đắt cho lợi ích của khu vực này không, cũng như để họ ủng hộ chương trình tái cơ cấu?”, ông đặt câu hỏi.

Tóm lại, theo ông Cung, để có nhận thức chung và hành động theo đề án này là “điều không đơn giản vì chúng ta có nhiệm kỳ”.

Ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan được Chính phủ giao biên soạn đề án này, đồng tình với những lo ngại của ông Cung. Ông Sinh nói: “Để thực hiện đề án trước tiên phải tìm ra sự đồng thuận… Nhưng hiện tại mọi người dường như vẫn đang đứng ngoài cuộc”.

Ông Sinh nhận xét, kinh tế vĩ mô bất ổn hiện nay không tạo điều kiện thuận lợi để tiến hành tái cơ cấu. “Môi trường vĩ mô của ta vẫn còn rủi ro. Không thể hôm nay hay ngày mai tái cơ cấu ngay được mà cần có thời gian”, ông nói.

Ông cho biết, phải làm sao để tái cơ cấu không tạo ra xáo trộn lớn trong xã hội. Vì lẽ đó, ông Sinh nói, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn chưa dám đưa đề án này ra công chúng.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s