Ứng viên cánh tả François Hollande đắc cử Tổng thống Pháp

Theo ước đoán của các viện điều tra dư luận vào đúng 20 giờ (giờ Paris) ngày 06/05/2012, ứng viên đảng Xã hội Pháp François Hollande đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống. Thăm dò của viện IPSOS cho biết, đại diện cánh tả được 51,9% số phiếu. Đối thủ của ông, tổng thống mãn nhiệm, Nicolas Sarkozy, đảng cánh hữu UMP, chỉ được 48,1%. Các con số này có thể thay đổi theo tiến độ kiểm phiếu. Vào lúc 20 giờ20, tổng thống mãn nhiệm Nicolas Sarkozy đã chính thức lên tiếng thừa nhận thất bại.

Tỷ lệ người đi bầu cũng tăng, có thể cao hơn vòng một ngày 22/04 vừa qua, dù không vượt qua được kỷ lục của năm 2007. Ngay từ buổi chiều, khi các nguồn tin bán chính thức về khả năng ông Hollande đắc cử được loan truyền trên các mạng xã hội, đám đông cảm tình viên cánh tả bắt đầu tụ tập về quảng trường La Bastille – Paris để chuẩn bị chào mừng chiến thắng.

Theo tiết lộ vào chiều của chủ tịch nhóm dân biểu đảng Xã hội Pháp, Jean Marc Ayrault, vào tối nay, nếu kết quả thắng lợi được xác nhận, ông François Hollande sẽ gọi điện thoại ngay cho nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel vì quan hệ Pháp-Đức là chìa khóa của việc vực dậy châu Âu.

http://www.viet.rfi.fr/phap/20120506-ung-vien-canh-ta-francois-hollande-dac-cu-tong-thong-phap

RFI

2 comments on “Ứng viên cánh tả François Hollande đắc cử Tổng thống Pháp

  1. CÁC ĐỜI TỔNG THỐNG PHÁP.

    Tổng thống Cộng hòa Pháp (tiếng Pháp: Président de la République française), thường được gọi là Tổng thống Pháp, là vị nguyên thủ quốc gia được dân bầu của đất nước này.

    Bốn trong năm nền cộng hòa của Pháp đã có tổng thống làm nguyên thủ, vì thế chức này là chức tổng thống tồn tại lâu đời nhất tại châu Âu. Qua hiến pháp của mỗi nền cộng hòa, các quyền lực, địa vị, và trách nhiệm của tổng thống đã trải qua nhiều thay đổi.

    Quyền lực

    Khác với chức tổng thống ở các nước châu Âu khác, Tổng thống Pháp có nhiều quyền lực thật sự, nhất là trong vấn đề ngoại giao. Tuy Thủ tướng và Quốc hội điều hành việc lập pháp, Tổng thống có nhiều ảnh hưởng quan trọng, chính thức và theo thông lệ. Tổng thống là chức vụ cao nhất đất nước, cao hơn tất cả các chức vụ khác.

    Có thể quyền quan trọng nhất của Tổng thống là chọn Thủ tướng. Tuy thế, vì chỉ có Quốc hội mới có quyền bãi nhiệm chính phủ của một Thủ tướng, Tổng thống bị buộc phải chọn một Thủ tướng được đa số Quốc hội tán thành.

    Khi phần đông Quốc hội không tán thành chính sách của Tổng thống, việc này dẫn đến việc sống chung chính trị . Trong trường hợp này, quyền của Tổng thống bị giới hạn, vì quyền thực sự dựa vào sự ủng hộ của Thủ tướng và Quốc hội chứ không phải vào quyền có từ hiến pháp. Tuy nhiên, theo thông lệ thì Tổng thống điều khiển chính sách ngoại giao, nhưng cũng phải hợp tác với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
    Khi phần đông Quốc hội có cùng quan điểm với Tổng thống, Tổng thống đóng được một vai trò tích cực hơn, và do đó điều khiển chính sách chính phủ. Lúc này, Thủ tướng chỉ là một cái “ngòi”, và sẽ bị thay đổi khi chính phủ không được dân tán thành.
    Theo Hiến pháp Pháp, sau đây là các quyền lực của Tổng thống:

    -Công bố các đạo luật
    -Tổng thống có một quyền phủ quyết rất yếu: ông có thể yêu cầu một phiên họp khác của Hội đồng Hiến pháp trước khi thông pha đạo luật đó.
    -Trưng cầu dân ý về đạo luật
    -Bổ nhiệm một số chức vụ quan trọng trong chính phủ (với sự phê chuẩn của nội các)
    -Bổ nhiệm các thành viên trong Hội đồng Hiến pháp
    -Tiếp đón các đại sứ nước ngoài.
    -Được ân xá khác với được thổng thống bớt tội. Khi được ân xá, mọi ảnh hưởng từ án kết đều được xóa bỏ tương tự như tội không hề xảy ra. Được thổng thống bớt tội chỉ là được giảm hình phạt từ nặng đến nhẹ hơn .

    Bầu cử

    Từ năm 2000, Tổng thống Pháp được dân trực tiếp bầu cử cho mỗi nhiệm kỳ 5 năm. Trước đó, mỗi nhiệm kỳ là 7 năm. Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy được bầu lần đầu 2007. Nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc năm 2012. Vì chức vụ này không có hạn chế số nhiệm kỳ, ông có thể ứng cử lại.

    François Mitterrand là Tổng thống duy nhất đến nay đã làm Tổng thống hai nhiệm kỳ.

    Tổng thống Pháp được bầu cử theo kiểu nhiều hiệp. Nếu không ứng cử viên nào thắng được đa số phiếu (trên 50%) thì hai ứng cử viên với nhiều phiếu nhất sẽ tranh đấu nhau trong cuộc bầu cử thứ hai.


    Danh sách Tổng thống Cộng hòa Pháp

    Đệ nhị Cộng hòa Pháp

    Louis-Napoléon Bonaparte, 1848 – 1852 (tự phong làm hoàng đế năm 1852, cai trị đến năm 1870 thì nền cộng hòa thành lập.)

    Tổng thống lâm thời
    Louis Jules Trochu, 1870 – 1871


    Đệ tam Cộng hòa Pháp

    Adolphe Thiers, 1871 – 1873

    Patrice Mac-Mahon, duc de Magenta, 1873 – 1879

    Jules Grévy, 1879 – 1887

    Marie François Sadi Carnot, 1887 – 1894

    Jean Casimir-Périer, 1894 – 1895

    Félix Faure, 1895 – 1899

    Émile Loubet, 1899 – 1906

    Armand Fallières, 1906 – 1913

    Raymond Poincaré, 1913 – 1920

    Paul Deschanel, 18 tháng 2 1920 – 21 tháng 9 – 1920

    Alexandre Millerand, 1920 – 1924

    Gaston Doumergue, 1924 – 1931

    Paul Doumer, 1931 – 1932

    Albert Lebrun, 1932 – 1940

    Thể chế Vichy
    Henri Philippe Pétain, 1940-1944 (“Quốc trưởng”, không dùng từ tổng thống)

    Thể chế Tự Do Pháp
    Charles de Gaulle, 1940-1944 (“Lãnh tụ Tự Do Pháp”, không dùng từ tổng thống)

    Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp (“Chủ tịch Chính phủ lâm thời”, không dùng từ tổng thống)
    Charles de Gaulle, 1944-1946

    Félix Gouin (Đảng Xã Hội|), 1946

    Georges Bidault (Phong trào Cộng hòa Nhân dân), 1946

    Léon Blum (Đảng Xã Hội), 1946 – 1947


    Đệ tứ Cộng hòa Pháp

    Vincent Auriol (Đảng Xã Hội), 1947-1954

    René Coty, 1954-1959


    Đệ ngũ Cộng hòa Pháp

    Charles de Gaulle (Liên hiệp Dân chủ Cộng Hòa), 1959 – 1969

    Georges Pompidou (Liên hiệp Dân chủ Cộng Hòa), 1969 – 1974

    Valéry Giscard d’Estaing (Liên hiệp Cộng hòa Pháp), 1974 – 1981

    François Mitterrand (Đảng Xã Hội), 1981 – 1995

    Jacques Chirac, 1995 – 2007

    Nicolas Sarkozy, 2007 – 2012

    François Hollande 2012– 2017

    • Francois Hollande sẽ chèo lái nước Pháp trong vòng 5 năm tới
      Francois Hollande, tổng thống vừa đắc cử của Pháp, là một nhà tổ chức chính trị dày dạn kinh nghiệm nhưng ông chưa bao giờ nắm giữ một vị trí nào trong chính phủ, theo các đánh giá ban đầu.

      Nhiều người đánh giá Francois Hollande là một chính khách ôn hòa dễ mến. Phong cách trầm lắng của Francois Hollande mà một số người cho là tẻ nhạt đối chọi gay gắt với sự nhiệt thành và sôi động của Tổng thống bảo thủ Nicolas Sarkozy

      Một trong những khoảnh khắc kịch tích của cuộc bỏ phiếu đó là khi một trong các đối thủ của Francois Hollande, bà Ségolène Royal, người bạn đời của ông trong gần ba thập niên và là mẹ của bốn người con của Francois Hollande, tuyên bố ủng hộ Francois Hollande trở thành ứng viên của đảng mặc dù hai người đã ly thân từ lâu.

      Các ủng hộ viên của Francois Hollande cho rằng đằng sau hình ảnh khiêm tốn của một người đàn ông mà mãi cho đến gần đây vẫn lái chiếc scooter đi làm là một quyết tâm sắt đá để lãnh đạo đất nước.

      Để giành được đề cử của đảng cho cuộc bầu cử trong năm 2012, Francois Hollande phải vượt qua một cuộc bỏ phiếu hết sức cam go trong nội bộ Đảng Xã hội – một cuộc chiến mà ông phải đánh cược bằng cả sinh mạng chính trị và cuộc sống riêng tư.

      Francois Hollande vào học trường ENA, tức trường hành chính quốc gia, một ngôi trường danh giá vốn là nơi xuất thân của nhiều nhà lãnh đạo Pháp. Tại đây Francois Hollande đã gặp gỡ bà Royal.

      Sau đó, Francois Hollandecũng vào học ở trường Sciences Po, tức Học viện khoa học chính trị, một ngôi trường lừng danh khác của Pháp.
      Từng hoạt động tích cực trong các phong trào chính trị của sinh viên, Francois Hollande gia nhập Đảng Xã hội vào năm 1979 và có một vai trò nhỏ với tư cách cố vấn kinh tế trong nhiệm kỳ tổng thống của Francois Mitterrand.

      Năm 2008, ông từ chức giữa sự ê chề của đảng sau thất bại của ứng viên Ségolène Royal trước ông Sarkozy trong cuộc bầu cử tổng thống một năm trước đó.

      Sau này mọi người mới biết lúc đó ông có quan hệ tình cảm với Valerie Trierweiler, phóng viên chính trị của tạp chí Paris Match. Kể từ đó, ông và Trierweiler không rời nhau.

      Trong hồi ký của mình, Chirac đã khen ngợi Hollande là ‘một chính khách lãnh đạo thật sự’ và là người có khả năng vượt qua các ranh giới đảng phái.
      Nhiều người nhìn nhận lời nhận xét của ông Chirac là sự xem thường ông Sarkozy, người mà Chirac công khai giễu cợt trong hồi ký.

Gửi phản hồi cho TRIỆU LƯƠNG DÂN Hủy trả lời