Thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi làm rõ hành động của Trung Quốc ở Biển Đông

Chủ tịch Tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Jim Webb, ngày 25/7 nhận định rằng các hành động đơn phương gần đây của Trung Quốc khẳng định chủ quyền trên biển Đông có thể vi phạm luật quốc tế.

Thông cáo trên trang web của Thượng nghị sĩ Jim Webb trích đăng phát biểu ông đưa ra tại Thượng viện cùng ngày 25/7 rằng Bắc Kinh đang ngày càng quyết liệt đòi chủ quyền tại Biển Đông bằng các hành động đơn phương như đưa dân ra cư trú, bố trí binh sĩ đồn trú, rồi thành lập thành phố Tam Sa để quản lý hành chính khu vực có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Thêm vào đó, vẫn theo lời ông Webb, Trung Quốc lại không chịu giải quyết tranh chấp Biển Đông theo đường lối đa phương mà một mực đòi giải quyết song phương với từng nước có tranh chấp, bởi Bắc Kinh có thể chế ngự bất kỳ quốc gia nào trong khu vực.

Theo Thượng nghị sĩ Jim Webb, hành động của Trung Quốc là vi phạm luật quốc tế và đi ngược lại tuyên bố của chính Bắc Kinh rằng họ sẵn sàng làm việc với ASEAN để đạt một bộ quy tắc ứng xử Biển Đông.

Ông Jim Webb khẳng định động thái của Trung Quốc rất đáng lo ngại và đồng thời thúc giục Bộ Ngoại giao Mỹ phải ngay lập tức làm rõ tình hình với Bắc Kinh để báo cáo lại cho Quốc hội.

Hơn 16 năm qua, Thượng nghị sĩ Jim Webb liên tục bày tỏ quan ngại về các vấn đề tranh chấp chủ quyền tại khu vực Biển Đông. Ông Webb có kinh nghiệm từng làm việc và đi khắp khu vực Đông Nam Á trên 4 thập niên.

Trong tuần này, ông Webb cùng 5 thượng nghị sĩ khác gồm John Kerry, Richard Lugar, John McCain, James Inhofe, và Joe Lieberman đưa ra nghị quyết thúc giục Trung Quốc và ASEAN hoàn tất soạn thảo bộ quy tắc ứng xử Biển Đông.

Thượng nghị sĩ Jim Webb cũng là người bảo trợ một nghị quyết được Thượng viện Mỹ thông qua hồi giữa năm ngoái, lên án việc Trung Quốc dùng võ lực ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi giải pháp đa phương cho vấn đề.

http://www.youtube.com/watch?v=XnklqJ5N-x8&feature=player_embedded

http://www.voatiengviet.com/content/tns-jim-webb-keu-goi-lam-ro-hanh-dong-cua-trung-quoc-o-bien-dong/1447038.html

*

TNS Jim Webb lo ngại về Trung Quốc

BBC – Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb đề nghị chính phủ Hoa Kỳ “làm rõ với Trung Quốc” về tình hình ở Biển Đông và báo cáo lại với Quốc Hội trong phát biểu lo ngại về thái độ đơn phương của Bắc Kinh với Asean.

Ông cũng lên tiếng phê phán việc Trung Quốc cho lập ‘thành phố Tam Sa” với “ủy ban hành chính 15 người quản lý hai triệu km vuông biển”.

Trong thông cáo báo chí ra ngày 26/7 tại Washington D.C., ông Jim Webb, chủ tịch Tiểu Ủy ban Đối ngoại với Đông Á và Thái Bình Dương của Thượng viện Mỹ đã nói các hành động gần đây của Trung Quốc “nhằm tăng kiểm soát tại vùng lãnh thổ tranh chấp ở biển Nam Trung Hoa có thể đã vi phạm luật quốc tế”.

Trong văn bản được công bố cùng ngày, ông Jim Webb, một cựu thủy quân lục chiến Mỹ ở Okinawa và Nam Việt Nam trong thời gian Chiến tranh Việt Nam, đã nói về “một sự trỗi dậy của một phe nhóm có gắn bó với quân đội Trung Quốc”.

Theo đánh giá của ông, điều này khiến Trung Quốc “ngày càng trở nên hung hăng”.

‘Đơn phương là phạm luật’

Thượng nghị sĩ Jim Webb từng lo ngại về tình hình Biển Đông 16 năm trước

Nói về tranh chấp tại vùng biển Đông Nam Á, ông Webb nhắc lại rằng Trung Quốc “luôn bác bỏ giải pháp cho các vấn đề này tại một diễn đàn đa phương”, và đã đơn phương triển khai cách thức dùng vũ lực”.

Chỉ riêng cách ứng xử đơn phương này, theo Thượng nghị sĩ Webb, “nói theo một cách lập luận, đã là một sự vi phạm luật quốc tế”.

Ông cũng cho rằng Trung Quốc đã hành xử “trái với các tuyên bố trước đó của họ là họ mong muốn hợp tác với Asean để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử COC” cho vùng biển này.

“Tôi khẩn thiết yêu cầu Bộ Ngoại giao làm sáng tỏ tình hình với Trung Quốc.”

TSN Jim Webb

Ông nói: “Điều này thật là đáng lo ngại,”

“Tôi khẩn thiết yêu cầu Bộ Ngoại giao làm sáng tỏ tình hình với Trung Quốc.”

Với động thái gần đây nhất, hôm 23/7 của Trung Quốc cho lập ‘thành phố cực nam Tam Sa’, ông Webb tỏ thái độ đặc biệt mạnh mẽ.

Ông viết: “Họ công bố một ủy ban thường vụ 15 người để quản lý khu vực. Họ cũng công bố thành phố họ lập ra sẽ quản trị 200 đảo nhỏ, bãi cát, bãi san hô trong khoảng hai triệu km vuông biển,”

Trung Quốc tưng bừng ra mắt trụ sở của TP Tam Sa

“Nói cách khác, họ lập ra cả một hệ thống hành chính từ chỗ không có gì. Họ đưa dân ra và lập doanh trại trên quần đảo vẫn còn đang tranh cãi về chủ quyền, và nay, họ tuyên bố cơ quan đó sẽ quản trị toàn bộ vùng biển Nam Trung Hoa.”

Văn bản của ông Webb cũng nhắc Tam Sa được lập trên đảo mà Việt Nam cũng đang tuyên bố chủ quyền.

Ông Webb được báo chí Mỹ đánh giá là người “đã bày tỏ quan ngại về vấn đề chủ quyền tại Biển Đông” từ 16 năm trước.

Ông cũng có tiếng là người làm việc và thăm viếng khu vực Đông Á và Đông Nam Á trong suốt bốn thập niên qua, ở vị trí sĩ quan thủy quân lục chiến, nhà kế hoạch cho Hải quân, nhà báo, quan chức cao cấp của Bộ Quốc phòng, và Thứ trưởng Hải quân, theo báo chí Hoa Kỳ.

Là người có gắn bó nhiều và quan tâm tới miền Nam Việt Nam và sau 1975 là nước Việt Nam, ông Jim Webb từng nói với BBC quan điểm của ông về quan hệ Mỹ – Trung – Việt.

Trả lời BBC Tiếng Việt hồi tháng 4/2010, nhân một dịp kỷ niệm cuộc chiến Việt Nam kết thúc, ông đã nói về vấn đề biển đảo:

“Có những vấn đề tại Biển Đông, những vấn đề rất quan trọng về chủ quyền, liên quan tới việc Trung Quốc nhận chủ quyền một số hòn đảo mà Việt Nam cũng nhận chủ quyền,”

Ngoài ra, ông Webb còn nói về một lĩnh vực khác cho quan hệ Hoa Kỳ với Việt Nam:

“Rất nhiều nhà máy thủy điện được xây dựng tại Trung Quốc dọc sông Mekong và lượng nước chảy xuống Việt Nam là rất đáng quan ngại. Có khoảng 70 triệu người sẽ bị ảnh hưởng trước tình trạng này,”

“Việt Nam sẽ là nước phải chịu nguy cơ. Tự một mình Việt Nam không dám đối mặt với Trung Quốc về vấn đề này và Hoa Kỳ nên cùng các nước khác như Nhật Bản có thể tham gia, tìm cách để bảo đảm dòng sông Mekong được sử dụng công bằng.”

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/07/120726_jim_webb_china_maritime.shtml

*

Sáu nghị sĩ Mỹ trình nghị quyết biển Đông

Đội tàu cá 30 chiếc của Trung Quốc đã rút khỏi quần đảo Trường Sa.

Lê Linh – Duy Khang (Phapluattp)Trang web Bộ Ngoại giao Mỹ đưa tin ngày 25-7 (giờ địa phương), Thượng nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á-Thái Bình Dương (Ủy ban Đối ngoại Thượng viện), đã phát biểu trước Thượng viện Mỹ chỉ trích Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế tại biển Đông và hành động trái với tuyên bố cùng ASEAN hoàn chỉnh Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông.

Ông kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ cần làm rõ tình hình biển Đông và báo cáo ngay với Quốc hội. Cùng ngày, trang web Chính sách Ngoại giao (Mỹ) đưa tin nhóm sáu thượng nghị sĩ Mỹ đã trình nghị quyết về biển Đông trước Thượng viện.

Nghị quyết kêu gọi các bên tuân thủ Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở biển Đông, kiềm chế làm nghiêm trọng thêm tình hình, tránh đưa người ra sinh sống tại các đảo tranh chấp và giải quyết mâu thuẫn dựa trên thái độ xây dựng. Nghị quyết ủng hộ Mỹ tăng cường quân tại Tây Thái Bình Dương.

Đội tàu cá Trung Quốc đến quần đảo Trường Sa đánh bắt trái phép vào giữa tháng 7 đã rút về đêm 25-7. Ảnh: THX

Liên quan đến tình hình biển Đông, trang web của chính phủ Trung Quốc ngày 26-7 cho biết sau khi trú bão ở đảo Đá Vành Khăn (quần đảo Trường Sa của Việt Nam), hôm 25-7, đội tàu cá 30 chiếc của Trung Quốc đã rời khỏi đây để rút về cảng Tam Á ở tỉnh Hải Nam, kết thúc chuyến đi 13 ngày đánh cá trái phép ở quần đảo Trường Sa. Dự kiến đội tàu sẽ về đến Tam Á trong bốn ngày tới.

Báo Philippine Star (Philippines) cùng ngày đưa tin hôm 24-7, lực lượng hải quân Tây Philippines đã phát hiện 20 tàu cá Trung Quốc ở khu vực cách đảo Pag-asa (tức đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Philippines chiếm giữ) khoảng 9 km. Hải quân Tây Philippines nói tàu Trung Quốc vào khu vực trên để tránh bão và đã yêu cầu các tàu rời đi khi bão tan.

Đài tiếng nói Mỹ (VOA) ngày 26-7 dẫn lời Giám đốc Viện Chính sách quốc tế Lowy (Úc) Michael Wesley nhận định căng thẳng liên quan đến tranh chấp ở biển Đông có thể dẫn đến nhiều hệ lụy trên toàn cầu. Ông cho rằng căng thẳng ở đây gồm hai cấp độ, trước hết là tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN và kế đến là tranh chấp giữa Trung Quốc và Mỹ (Trung Quốc không muốn bị rơi vào thế bị bao vây trong khi Mỹ muốn bảo đảm lợi ích tự do hàng hải trên biển Đông).

Ông ghi nhận căng thẳng ở biển Đông nhìn chung không nghiêm trọng bằng căng thẳng ở eo biển Đài Loan và bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, căng thẳng ở biển Đông lại diễn biến khó lường. Ông nhận định nguy cơ xung đột xảy ra là có thật vì các lực lượng hải quân ở biển Đông thiếu kinh nghiệm, ít hiểu biết lẫn nhau nên khó kiểm soát tốt biến cố.

Ông cho rằng với tư cách là đồng minh quân sự của Mỹ và đối tác kinh tế lớn của Trung Quốc, Úc cần đứng ra làm trung gian để tháo gỡ căng thẳng ở biển Đông vì Úc không phải là cường quốc và không có lợi ích trực tiếp trong tranh chấp ở biển Đông. Ông nhấn mạnh Úc cần quan tâm đến biển Đông vì 54% hàng hóa thương mại của Úc được vận chuyển qua biển Đông mỗi năm và kết quả kình địch giữa Trung Quốc và Mỹ có thể tác động đến thế cân bằng chiến lược ở Thái Bình Dương. Phát biểu trước Thượng viện Mỹ hôm 25-7, Thượng nghị sĩ John Kerry đã kêu gọi Mỹ cần dứt khoát ủng hộ các nước ASEAN tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông. Ông nói: “… Mỹ cần quan tâm đến tự do hàng hải và thương mại tại biển Đông. Nghị quyết này dựa trên luật pháp quốc tế và ủng hộ tiến trình ngoại giao đa phương. Thượng viện cần cân nhắc một cách thích hợp nhất”.

Lê Linh – Duy Khang

http://phapluattp.vn/2012072611323445p0c1017/sau-nghi-si-my-trinh-nghi-quyet-bien-dong.htm

Bình luận về bài viết này