TSYG
Gửi tới TTHN
–
Từ tháng 4/2012 đến nay, tất cả cán bộ viên chức của Nhà xuất bản ĐHSP TP. Hồ Chí Minh đã bị cắt mọi khoản thu nhập thêm, chỉ còn được hưởng lương cơ bản. Các khoản thu nhập đó gồm: tiền lương tăng thêm, tiền khuyến khích lao động… Nhiều anh chị em chỉ còn được nhận khoảng trên dưới 2,5 triệu đồng hàng tháng. Cuộc sống vốn đã khó khăn thì giờ đây càng bi đát. Toàn bộ cán bộ viên chức NXB đang hết sức bức xúc và bất bình trước sự việc này.
TSYG đã tìm hiểu vụ việc, thấy rằng hoạt động tài chính của NXB trong thời kỳ ông Nguyễn Thái Sơn làm giám đốc (9/2009 – 12/2011), đã có nhiều vấn đề không minh bạch. Dĩ nhiên ông Hiệu trưởng trường ĐHSP TP Hồ Chí Minh, với tư cách là người đứng đầu cơ quan chủ quản của NXB, phải biết rõ những khuất tất trong chi tiêu tài chính của ông Nguyễn Thái Sơn nhưng đã không xử lý gì. Và bây giờ, gánh nặng đang được trút xuống các cán bộ nhân viên NXB, những người từng ngày trông mong vào đồng lương để duy trì cuộc sống. Vì sao có chuyện lạ kỳ này trong ngôi trường “Sư phạm trọng điểm” phía Nam?
Thu chi mập mờ
Theo báo cáo hoạt động của NXB do giám đốc Nguyễn Thái Sơn ký ngày 15/8/2011 thì doanh thu từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ trong năm 2010 là 1,071,938,752 đồng ( 1tỉ 71 triệu đồng), năm 2011 (tính đến tháng 7/2011) là 1,423,078,392 đồng (1 tỉ 423 triệu đồng). Tổng cộng doanh thu của cả hai năm (tính đến hết tháng 7/2011) là 2 tỉ 494 triệu đồng.
Đến thời điểm này, trường ĐHSP TP.HCM đã cung cấp 1,5 tỉ trên tổng số vốn 2 tỉ cho NXB. Như vậy tổng thu của NXB cho đến hết tháng 7/2011 là 3 tỉ 994 triệu đồng.
Theo ước tính của chúng tôi, đến tháng 7/2011, tổng quĩ lương đã chi cho CBVC và lao động hợp đồng của NXB khoảng 1 tỉ 500 triệu đồng. Như vậy NXB còn gần 2 tỉ 500 triệu đồng
Nhưng theo con số sơ bộ do tân giám đốc NXB Nguyễn Kim Hồng báo cáo trong cuộc họp cuối năm 2011 của NXB, thì ngân sách NXB đến tháng 12/2011 chỉ còn khoảng 200 triệu đồng.(??)
Theo báo cáo nói trên của giám đốc Nguyễn Thái Sơn, những khoản tiền sau đây đã được đưa vào danh mục chi:
– Giá vốn hàng bán: 461,724,105 đ
– Chi phí bán hàng: 107,001,411 đ
– Chi phí quản lý doanh nghiệp: 828,144,551 đ
(trong đó lương CBVC: 442,495,677 đ)
Sự mù mờ khó hiểu là ở chỗ: 1 – Hàng bán của NXB là những hàng gì mà vốn hàng bán lên tới 461 triệu đồng? 2– Mọi người ở NXB đều được nhận lương bổng đầy đủ thì chi phí bán hàng 107 triệu đồng là chi cho ai? 3– Số tiền chi phí quản lý doanh nghiệp trừ đi lương CBVC khoảng 368 triệu đồng được chi vào việc gì và rơi vào túi của ai?
In sách theo kiểu “lấy xôi làng đãi ăn mày”
Mặc dù ngân sách của NXB rất eo hẹp, nhưng giám đốc Nguyễn Thái Sơn đã rất hào phóng chi xài ngân sách NXB trong việc in sách cho một số “người quen” . Điều đáng nói là những cuốn sách sách này hoàn toàn không phải là giáo trình của trường ĐHSP. Có thể dẫn ra một số ví dụ như các cuốn
– Văn hóa giao tiếp trong trường học, tác giả: Nguyễn thị Kim Ngân, giá 93.500đ.
– Phong cách nghệ thuật Nguyên Hồng, tác giả: Bạch Văn Hợp; số lượng in:500 cuốn, tồn kho: 455 cuốn; giá 83.500đ/cuốn.
– Người xa quê; tác giả: Lê Hồng Ân. Số lượng in: 500 cuốn, tồn kho 477 cuốn; giá 45.000đ/cuốn.
– Biền thể trong văn học Việt nam, tác giả: Triều Nguyên; số lượng in: 500 cuốn, tồn kho 460 cuốn; giá 85.000đ/cuốn.
– Chương trình dạy học Intel, số lượng in:5000 cuốn, tồn kho: 4250 cuốn, giá 60.000đ/cuốn.
– …
( Theo số liệu của BÁO CÁO TỒN KHO của NXB, tháng 12/2011)
Không muốn đòi lại tiền quảng cáo lịch?
Mùa lịch 2011, NXB ĐHSP TP.HCM ký hợp đồng liên kết xuất bản với công ty G.V. xuất bản 450.00 bloc lịch. Bỗng nhiên công ty A.C. cho quảng cáo tên và logo của công ty này lên tất cả các tờ lịch của 450.000 bloc lịch nói trên. Việc quảng cáo này xảy ra mà không có hợp đồng quảng cáo. Theo ước tính của một số chuyên gia về quảng cáo, nếu đơn giá quảng cáo chỉ lấy “giá rẻ” từ 500đ đến 800đ cho mỗi bloc lịch, thì NXB đã bị thất thu khoảng 300 triệu đồng, một số tiền lớn nếu đem so với 200 triệu đồng còn lại trong ngân sách NXB.
Mặc dù một số cán bộ NXB đã nhiều lần kiến nghị giám đốc NXB và kiến nghị Hiệu trưởng ĐHSP TP.HCM (trong các cuộc họp và bằng văn bản) xúc tiến các biện pháp nhằm thu hồi số tiền quảng cáo trái phép nói trên, nhưng mọi kiến nghị đều không được trả lời và rơi vào sự “im lặng đáng sợ”.
Vì sao lại có sự im lặng khó hiểu trước một sự thật rành rành như thế? Dư luận cho rằng mấy vị này đã bị rơi vào tình cảnh “há miệng mắc quai”, nói “đòi” cũng không được vì sợ đối tác sẽ cho lộ ra nhiều vấn đề tế nhị khác (cần nhắc lại rằng mùa lịch 2011, NXB bán giấy phép 990.000 bloc và thu về 400 triệu đồng, còn mùa lịch 2012 thì NXB bán giấy phép 280.000 bloc và cũng thu về 400 triệu đồng – một sự chênh lệch ghê gớm về giá cả mà mọi người bình thường đều thấy được đằng sau vụ “lịch giá rẻ 2011” là chuyện gì), còn nói “không đòi” cũng không xong vì như thế thì hóa ra là quá thiếu trách nhiệm, trong khi đó NXB đang vô cùng túng bấn. Vậy là trong ba mươi sáu chước, chước “làm lơ” là hơn?
Chi tiền cho một số cá nhân
Qua những thông tin mà chúng tôi đang nắm giữ, giám đốc Nguyễn Thái Sơn đã dùng ngân sách NXB để chi tiền cho một số cá nhân, rồi lại dùng ngân sách NXB để đóng thuế thu nhập cá nhân cho những người này với tổng của hai khoản này là trên 420 triệu đồng. Tiền thuế thu nhập cá nhân NXB phải đóng giùm cho những người đã nhận tiền từ NXB lên đến 38,034,797 đồng (ba mươi tám triệu ba mươi tư ngàn bảy trăm chin bảy đồng). Điều này thể hiện qua các phiếu thu thuế thu nhập cá nhân mà NXB nhận được từ cơ quan thuế, với số chứng từ và số tiền nộp tương ứng:
HCM0101/12 0016695 12,101,000 đ
HCM0101/11 0363540 11,316,720 đ
HCM0101/11 0455598 4,828,733 đ
HCM0101/11 0527826 4,288,572 đ
HCM0101/10 0280649 5,499,772 đ
Với các mức thuế suất của thuế thu nhập cá nhân là 0%, 5%, 10%, chắc chắn số tiền mà ông Nguyễn Thái Sơn đã chi cho một số cá nhân phải vượt quá 380 triệu đồng.
Đây là một kiểu chia chác bòn rút tiền bạc từ công quĩ một cách hết sức tinh vi và lọc lõi. Nếu ông Hiệu trưởng trường ĐHSP TP.HCM là người công minh, trong sạch và không hề dính vào vụ ăn chia này, xin mời ông hãy ban lệnh điều tra xem những thông tin về các phiếu thu và số tiền thuế TNCN phải nộp nói trên có chính xác hay không, và ông hãy công bố danh tính những kẻ đã tham gia nhiệt tình vào quá trình”xẻ thịt” Nhà xuất bản ĐHSP TP.HCM. Việc “xẻ thịt” này đã làm cho NXB lâm vào tình cảnh sống dở chết dở như hiện nay do hầu như không còn ngân sách để hoạt động. Còn nếu như ngược lại, ông Hiệu trưởng vẫn “làm lơ”, thì, Ôi! Thôi thôi chùa Tân Thạnh, năm canh ưng đóng lạnh… (theo Văn tế nghĩa sĩ Cẫn Giuộc – Nguyễn Đình Chiểu)
Hồ sơ tài chính của NXB ĐHSP TP.HCM chứa đựng quá nhiều sự khuất tất, và có thể có những điều khác còn ghê gớm hơn. Theo nhận xét của một số cán bộ giảng viên trường ĐHSP TP.HCM thì đây là lý do chính của việc hai người là ông Bùi Văn Châu và ông Nguyễn Quang Hưng bị đẩy bật khỏi chức vụ Phó giám đốc NXB bằng mọi giá, mặc dù kiểu chi tiêu ngân sách một cách thoải mái và kỳ quặc như trên đều do một mình ông Sơn quyết định, ông Châu và ông Hưng không hề có sai phạm gì. Bởi vì nếu hai ông này ở lại thì chắc chắn nhiều sự việc tiêu cực dính đến nhiều vị tai to mặt lớn sẽ bị phanh phui, và đã cháy nhà thì phải ra mặt chuột.
Cho dù thế nào đi nữa, dư luận vẫn đòi hỏi lãnh đạo trường ĐHSP TP.HCM phải có một chính sách đúng đắn và dài hơi đối với việc xây dựng NXB, trước hết phải quan tâm đúng mức tới đời sống đang rất khó khăn của nhiều công chức viên chức NXB, đưa thu nhập và đời sống của hàng chục công nhân viên NXB trở lại mức bình thường.
Thật là vô lý khi ngân sách của NXB đã bị chi tiêu vô tội vạ, bị xà xẻo ngang nhiên trắng trợn, vào tay một số cá nhân như trên, rồi lãnh đạo nhà trường lạnh lùng cắt hết mọi khoản thu nhập thêm của người lao động suốt 4 tháng trời vừa qua với lý do đơn giản: Hết tiền! Trách nhiệm và đạo lý của người lãnh đạo đang ở nơi đâu? Hiện nay nhiều anh em trong NXB chỉ còn biết nhìn nhau và kêu lên: “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi!” – một câu ai oán xót xa chỉ có trong thời nước ta đang chìm đắm dưới sự cai trị của thực dân Pháp!
Theo: Blog TSYG