Ruồi muỗi chết oan


Lữ Giang

(Bài 3)
Như chúng tôi đã nói, Vũ Ngọc Nhạ chỉ là một thứ gián điệp cắc ké của Hà Nội, còn Huỳnh Văn Trọng chưa bao giờ là điệp viên của Cộng Sản. Nhưng vụ án Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng đã gây nhiều ngộ nhận,
Tài liệu được tiết lộ cho thấy hai vụ án Huỳnh Văn Trọng và Trần Ngọc Châu chỉ là một trận chiến “ngậm đắng nuốt cay” giữa Tổng Thống Thiệu và CIA. Nói một cách rõ hơn, Tổng Thống Thiệu và CIA húc nhau, Huỳnh Văn Trọng và Trần Ngọc Châu chỉ là ruồi muỗi bị chết oan.
Hồ sơ của cả hai vụ đã được bạch hoá: Ông Trần Ngọc Châu đã viết hồi ký nói lên hầu hết mặt trái của nội vụ. Ba người được Tổng Thống Thiệu cử phụ giúp Huỳnh Văn Trọng thi hành sứ mạng liên lạc với “phiá bên kia” cũng đã tiết lộ những sự thật đáng buồn. Một trong ba người đó, năm nay đã gần 90 tuổi, hiện đang sống tại Orange County, đã kể lại cho chúng tôi những gì đã thật sự xẩy ra. Sau khi Huỳnh Văn Trọng trở lại Sài Gòn, một vài người quen thân đến thăm ông, ông vẫn khẳng định ông không bao giờ là gián điệp của Cộng Sản.
Điều đáng tiếc một số viên chức cao cấp thuộc ngành cảnh sát đặc biệt VNCH vẫn coi việc bắt Huỳnh Văn Trọng và Vũ Ngọc Nhạ như là một công trạng lớn của họ!
Câu chuyện này cũng khá ly kỳ, nhưng trong phạm vi một bài báo, chúng tôi cũng chỉ có thể tóm lược những nét chính.
CHUYỆN MỸ MUỐN LÀM
Kể từ năm 1965, sau khi Đại Sứ Cabot Lodge được chính phủ Hoa Kỳ đưa trở lại Việt Nam để dẹp loạn Phật Giáo, Hoa Kỳ đã nghĩ đến việc lập một đường dây để liên lạc với “phía bên kia”. Lúc đó Trung Tá Trần Ngọc Châu đang là Giám Đốc Trung Tâm Huấn Luyện Bình Định Nông Thôn ở Vũng Tàu, một cơ quan do CIA tài trợ và giám sát. CIA biết Trần Ngọc Châu có người anh là Đại Tá Trần Ngọc Hiền, từng là Ủy Viên của Đặc Khu Sài Gòn – Chợ Lớn, bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt bắt, đã được Mai Hữu Xuân thả ra sau khi nhận tiền của Việt Cộng. Vì thế, CIA đã đề nghị với Tổng Nha Cảnh Sát để cho CIA lập đường dây liên lạc với “phía bên kia” qua Trần Ngọc Châu. Tổng Nha Cảnh Sát đồng ý. Cơ quan an ninh VNCH đã bảo đảm cho đường dây này được hoạt động dễ dàng và không can dự vào. Một cụm tình báo được thành lập để phụ trách công tác này, đó là “Cụm tình báo A-68” do Trần Ngọc Hiền làm Phái khiển, Trần Ngọc Châu là Cán bộ và Trần Châu Khang là Cơ cán. Nhiệm vụ của Cán bộ (Trần Ngọc Châu) là chuyển tài liệu giữa CIA và Cơ cán. Cụm này đã hoạt động một cách yên ổn từ tháng 8/1965 đến 1969.
ÔNG THIỆU MUỐN BẮT CHƯỚC MỸ
Năm 1967, khi đắc cử Tổng Thống, Tướng Nguyễn Văn Thiệu nghĩ rằng nếu Mỹ nói chuyện riêng với Việt Cộng, tại sao VNCH không làm như vậy? Ông liền bảo Phụ Tá Nguyễn Cao Thăng tìm cho ông một người có thể liên lạc với “phía bên kia”. Nguyễn Cao Thăng liền giới thiệu người bạn thân của mình khi còn ở Huế là Huỳnh Văn Trọng.
Huỳnh Văn Trọng, sinh năm 1909, là người công giáo gốc ở giáo xứ Kim Long, Huế, đi tu dòng Đa Minh, sau ra học luật ở Hà Nội. Nhưng mới học được hai năm thì Việt Minh cướp chính quyền, Trọng về Huế và làm cho Phòng Nhì của Pháp. Khi Pháp rút khỏi miền Nam, Huỳnh Văn Trọng và hai người khác được tổ chức thành một tổ tình báo của Pháp hoạt động miền Nam. Đoàn Cộng Tác Đặc Biệt khám phá ra hoạt động của tổ này. Huỳnh Văn Trọng đã trốn qua Cam-bốt, còn hai người kia bị bắt.
Sau cuộc đảo chánh 1.11.1963, Huỳnh Văn Trọng về Việt Nam và liên lạc lại với Nguyễn Cao Thăng. Lúc đó Nguyễn Cao Thăng đang là một Phụ Tá đầy quyền lực của Tổng Thống Thiệu.
Phụ Tá Nguyễn Cao Thăng biết Huỳnh Văn Trọng đã được Pháp huấn luyện về tình báo nên giới thiệu Trọng với Tổng Thống Thiệu. Tổng Thống Thiệu liền cử Huỳnh Văn Trọng làm Phụ Tá Đặc Biệt Phủ Tổng Thống để có danh nghĩa và thầm quyền nói chuyện với “phía bên kia”. Ba người khác được Nguyễn Cao Thăng giới thiệu, được Tổng Thống Thiệu cử làm phụ tá cho Huỳnh Văn Trọng. Chuyện này không hề được thông báo cho Tổng Nha Cảnh Sát và cơ quan CIA biết.
Chúng tôi đã phỏng vấn hai người được Nguyễn Cao Thăng cử phụ giúp Huỳnh Văn Trọng, nên biết khá nhiều chi tiết rất lý thú.
Như đã nói ở trước, sau khi bị bắt, Vũ Ngọc Nhạ đồng ý làm điệp viên nhị trùng cho Đoàn Công Tác Đặc biệt và được Đoàn này trả lương. Ông Nguyễn Tư Thái (Thái Đen) cho biết Đoàn còn cử Vũ Ngọc Nhạ xâm nhập vào giáo xứ Bình An của Linh mục Hoàng Quỳnh ở Bình Đông để theo dõi nhóm Giám Mục Lê Hữu Từ đang hoạt động chống ông Diệm. Nhưng sau cuộc đảo chánh 1.11.1963, không ai trả lương cho Nhạ nữa nên Nhạ đến xin làm việc tại nhà in của Linh mục Trấn Ngọc Nhuận ở nhà thờ Phát Diệm, Phú Nhuận, vì khi còn ở ngoài Bắc, Nhạ đã có một thời gian ở Phát Diệm. Linh mục Nhuận biết Nhạ là cán bộ hồi chánh nên cho phụ xếp giấy để có lương sống qua ngày.
Khi Huỳnh Văn Trọng đang tìm người có thể liên lạc với “phía bên kia”, có người đã cho Huỳnh Văn Trọng biết Vũ Ngọc Nhạ, một cán bộ hồi chánh, đang làm ở nhà in của cha Nhuận có thể làm được chuyện này. Huỳnh Văn Trọng đến gặp cha Nhuận. Cha Nhuận hỏi Nhạ có làm liên lạc được không thì Nhạ xin một tuần để trả lời. Sau đó Nhạ cho biết có thể làm được.
MỸ CHƠI ÔNG THIỆU
Huỳnh Văn Trọng đã được Vũ Ngọc Nhạ đưa đi tiếp xúc với đại diện của Việt Cộng nhiều lần, khi ở Đồng Ông Cộ, khi ở cầu Bình Lợi, khi ở Hàng Xanh… Có lần Vũ Ngọc Nhạ đã đưa Huỳnh Văn Trọng đi gặp Phạm Hùng. Nhưng việc liên lạc này đã bị CIA phát hiện. CIA đã phái điệp viên William James Porter đến giúp Tổng Nha Cảnh Sát theo dõi để bắt. Porter đã cung cấp cho cảnh sát các máy thu thanh và thu hình tự động rất tinh vi để theo dõi nội vụ và làm bằng chứng. Ông ta còn cung cấp cả không ảnh chụp nơi nhóm này thường tụ họp ở Đồng Ông Cộ. Ngày 20.9.1969 Tổng Nha Cảnh Sát đã mở cuộc hành quân xúc toàn bộ các cụm tình báo Việt Cộng hoạt động chung quanh Vũ Ngọc Nhạ và Huỳnh Văn Trọng, trong đó có Lê Hữu Thúy, Phạm Xuân Hòe, Vũ Hữu Ruật, Lê Thị Nuôi, v.v. Huỳnh Văn Trọng cũng bị bắt tại nhà ở đường Lê Lợi, Quận 1, Sài Gòn.
Khi được đưa ra trình diện trước báo chí, Huỳnh Văn Trọng nói rằng ông sẽ tiết lộ tất cả những bí mật về vụ này trước phiên tòa. Nhưng Tổng Thống Thiệu đã bảo Nguyễn Cao Thăng nói với Huỳnh Văn Trọng không được tiết lộ nội vụ để khỏi gây hoang mang về việc ông đã bí mật nói chuyện với Việt Cộng. Tổng Thống Thiệu hứa sau khi giam giữ một thời gian, ông sẽ ra lệnh thả Trọng ra.
Khoảng 22 giờ tối 29.11.1969, Tòa Án Lưu Động Mặt Trận Vùng III Chiến Thuật đã tuyên án như sau: Huỳnh Văn Trọng, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy và Nguyễn Xuân Hòe khổ sai chung thân. 8 người bị khổ sai 20 năm, 5 người bị khổ sai từ 5 đến 7 năm. Các bị can khác bị tù từ 3 tháng đến 3 năm và 11 người được hưởng án treo.
Vì Nguyễn Cao Thăng bị ung thư cuống họng chết năm 1971, nên Tổng Thống Thiệu hy sinh Huỳnh Văn Trọng luôn. Ông không bao giờ ra lệnh thả Huỳnh Văn Trọng, mà còn trao trả Trọng cho Việt Cộng sau Hiệp Định Paris.
ÔNG THIỆU TRẢ ĐỦA MỸ
Để trả đủa lại CIA, Tổng Thống Thiệu ra lệnh bắt “cụm tình báo A-68”. Tuy nhiên, Đại Tá Trần Văn Hai, Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia không chịu bắt Trần Ngọc Châu vì lúc đó Trần Ngọc Châu đang là dân biểu và là Tổng Thư Ký của Hạ Viện. Vã lại, đã có sự đồng ý của Tổng Nha Cảnh Sát để cho CIA lập tổ này.
Bị Nguyễn Cao Thăng thúc đẩy, Đại Tá Hai đòi phải có lệnh viết của Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm ông mới bắt. Tổng Thống Thiệu đã bảo Tướng Khiêm ký lệnh viết nên ngày 20.2.1970, cảnh sát đã bao vây và bắt Trần Ngọc Châu ngay tại Hạ Viện.
Ngày 2.3.1970, Toà Án Lưu Động Mặt Trận Vùng III Chiến Thuật bắt đầu xử vụ án Trần Ngọc Hiền và Trần Ngọc Châu, nhưng tuyên phạt nhẹ hơn vụ án Huỳnh Văn Trọng nhiều, vì có sự can thiệp mạnh của Tòa Đại Sứ Mỹ. Tòa tuyên án Trần Ngọc Châu 10 năm khổ sai và Trần Ngọc Hiền 4 năm tù. Ít lâu sau, Trần Ngọc Châu được phóng thích, nhưng Trần Ngọc Hiền không còn nhận Trần Ngọc Châu là em nữa vì cho rằng mình đã bị Châu lừa!
Tóm kết, Huỳnh Văn Trọng là người được Tổng Thống Thiệu cử làm Phụ Tá Tổng Thống đặc trách liên lạc với “phía bên kia”, chứ không phải là điệp viên cộng sản được cài vào Dinh Độc Lập như văn công cộng sản và một viên chức cảnh sát VNCH đã viết.
Vũ Ngọc Nhạ chỉ học tới lớp 7, làm thư ký đánh máy công nhật B3 ở sở Đào Kinh, Bộ Công Chánh, làm sao có thể làm cố vấn cho ba đời Tổng Thống VNCH như văn công Việt Cộng đã viết? Có vài lần Huỳnh Văn Trọng đã đưa Nhạ vào Dinh Độc Lập gặp Thổng Thống Thiệu. Mục đích của Huỳnh Văn Trọng là cho Vũ Ngọc Nhạ thấy ông ta thật sự là người của Tổng Thống Thiệu. Tổng Thống Thiệu cũng đã vài lần viết thư khuyến khích Nhạ, nhưng Nhạ chưa bao giờ làm “cố vấn” cho ông Thiệu.
(Còn tiếp)
Ngày 19.6.2012
Lữ Giang

Bình luận về bài viết này