Các tổ chức phi chính phủ tham gia cải cách xã hội ở Quảng Đông

 

Posted by ttxcc2 on 26/06/2012

Một người dân làng Ô Khảm đang bỏ phiếu bầu người đại diện địa phương, ngày 03/03/2012. 

Một người dân làng Ô Khảm đang bỏ phiếu bầu người đại diện địa phương, ngày 03/03/2012. 

REUTERS/Bobby Yip=========>>>

Chính quyền tỉnh Quảng Đông vừa ra một quy định mới về việc sử dụng các tổ chức phi chính phủ vào việc quản lý một số dịch vụ xã hội. Đây là một phần trong chính sách cải cách xã hội nhằm thúc đẩy việc phát triển đời sống cộng đồng ở tỉnh Quảng Đông. Hành động này cho thấy lãnh đạo tỉnh vẫn đi đầu trên con đường cải cách ở Trung Quốc.

Theo hãng tin Ý AsiaNews hôm qua, 25/06/2012, chính quyền tỉnh Quảng Đông đã đề ra một cơ chế giao cho các tổ chức phi chính phủ thực hiện một số dịch vụ, như trợ giúp pháp lý hay nghiên cứu chính sách. Đây là một phần trong các chính sách cải cách xã hội nhằm thúc đẩy việc phát triển đời sống cộng đồng ở tỉnh Quảng Đông.

Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Uông Dương là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ thay đổi nói trên. Được xem là một nhân vật có xu hướng cải cách, đối nghịch với những gương mặt bảo thủ như cựu lãnh đạo Trùng Khánh Bạc Hy Lai, ông Uông Dương đã tránh cho những khủng hoảng xã hội trong tỉnh của ông biến thành bạo loạn đẫm máu của quần chúng, nhờ biết cách giải quyết dân chủ, khác với những nơi khác.

Như trường hợp của làng Ô Khảm, nơi mà người dân đã nổi dậy chống các quan chức địa phương tham nhũng, thối nát. Sau nhiều tháng biểu tình phản kháng, dân Ô Khảm đã giành thắng lợi, nhờ có sự yểm trợ của chính quyền tỉnh, được tự do bầu trực tiếp người lãnh đạo mới.

Vụ Ô Khảm được xem như là thắng lợi cá nhân của ông Uông Dương, và nay vị bí thư Quảng Đông có vẻ như muốn đẩy mạnh hơn nữa cải cách xã hội trong tỉnh của ông.

Theo AsiaNews, các chuyên gia và các giới chức cho rằng cơ chế mới sẽ giúp gia tăng trọng lượng của các tổ chức phi chính phủ, nhưng họ cũng cảnh báo là một số nhóm nào đó có thể thông qua việc tài trợ cho các hoạt động của những tổ chức đó để thực hiện quyền kiểm soát.

Từ nhiều năm qua, các trí thức và các nhà hoạt động xã hội (cả Trung Quốc lẫn nước ngoài) đã hối thúc Bắc Kinh tự do hóa một cơ chế mà hiện nay còn rất phức tạp và bị hạn chế gắt gao. Họ lập luận rằng, các tổ chức phi chính phủ có vai trò rất quan trọng trong đời sống và trong việc xây dựng xã hội. Nhưng chính quyền Cộng sản thì vẫn sợ mất quyền kiểm soát. Thành ra, Nhà nước cứ quản lý các tổ chức đó như một ông chủ, kiểm soát mọi hoạt động của họ.

AsiaNews trích lời một chuyên gia của Đại học Tôn Trung Sơn cho rằng việc mời các tổ chức phi chính phủ tham gia cải cách quản lý xã hội cho thấy là chính quyền tỉnh Quảng Đông biết lắng nghe dân chúng, nhưng cần phải chờ xem việc này trên thực tế được thực hiện như thế nào.

Theo lời ông Willy Wo-Lap Lam, một trong những học giả nổi tiếng nhất về Trung Hoa đương đại, bí thư Quảng Đông Uông Dương “đã làm nổi rõ sự tham gia của quần chúng trong tiến trình chính trị. Ông đã yêu cầu các viên chức của tỉnh phải khuyến khích sáng kiến và tính sáng tạo của quần chúng. Ông Uông Dương cũng nhấn mạnh rằng khi khởi đầu một tiến trình cải cách bao giờ cũng có rất nhiều trở ngại do khác biệt quan điểm, nhưng kẻ thù cần phải đánh bại đó là các nhóm lợi ích trong thượng tầng quyền lực.

AsiaNews cũng trích lời một Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Dân sự, thuộc Đại học Quốc gia Trung Quốc cho rằng quy định mới rất có ý nghĩa, vì nó khuyến khích sự tham gia của nhân dân. Thế nhưng ông không chờ đợi là sẽ nhanh chóng có những thay đổi quan trọng. Vị giám đốc này nói: “ Ngay cả tại một tỉnh có đầu óc cởi mở như Quảng Đông, tôi cũng không nghĩ là kết quả thăm dò dư luận do các tổ chức phi chính phủ thực hiện sẽ được công bố thoải mái”.

Ấy là chưa kể nhiều tổ chức phi chính phủ khác sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử, bị xem là mầm mống gây mất ổn định chỉ vì những tổ chức đó có những hoạt động chẳng hạn như đấu tranh cho quyền của người lao động và đại diện cho công nhân trong các vụ kiện cáo đòi quyền lợi.

Bình luận về bài viết này