Chả cần giở lại cái thời xa tít mù làm gì, chỉ tính từ hồi những người cộng sản xứ này làm cuộc cách mạng lật đổ chế độ cũ lập nên chế độ mới, ta thấy tầng lớp quan lại có sự thay đổi nho nhỏ. Họ không dám xưng quan nữa. Họ gọi nhau và bắt dân gọi họ bằng cái tên mới: cán bộ. Dân không phải “bẩm quan” mà “thưa cán bộ”, quan nhỏ với quan lớn cũng không phải “bẩm quan” mà “thưa anh, báo cáo anh”. Nghe rất dân chủ, bình đẳng, gấp cả tỉ lần dân chủ phong kiến.Ngày xưa muốn vào chốn quan trường phải đi học. Hầu hết học để làm quan. Nay thì không cần thế, chỉ cần thành đồng chí, đứng trong một tổ chức gọi là đảng. Đây là danh từ chung, nhưng ở xứ ta chỉ tồn tại 1 đảng nên đảng phải viết hoa. Đồng chí có thể không thuộc đảng, tuy nhiên hơi hiếm, nếu có cá biệt cũng chỉ mang tính tượng trưng, làm màu mè ra vẻ thôi. Kỳ cục ở chỗ cái gì họ cũng dựa vào dân nhưng với họ dân không được coi là đồng chí. Cũng dễ hiểu, đồng chí đồng nghĩa với ngạch quan, chức tước, phẩm hàm, bổng lộc, coi nhau như đồng chí cả thì lấy đứa nào để cai trị. Ai cho rằng tôi nói quá, xin cứ vặn mấy ông cán bộ tổ chức xem có đúng không. Không phấn đấu vào đảng, không phải đảng viên, đừng có mơ làm cán bộ. Một thứ đặc quyền đặc lợi chỉ có ở xứ này.
Thời phong kiến “thối nát”, quan lại luôn xưng “phụ mẫu chi dân”, cha mẹ của dân. Nơi nào có được vị quan tốt, đúng nghĩa phụ mẫu thì may, còn ngược lại thường phải chấp nhận bởi ách gông đã quàng vào cổ. Phận dân như ngọn cỏ, con kiến, quan dày quan xéo thế nào cũng xong. Chế độ phong kiến đổ là phải, thuận lẽ trời, hợp lòng người.
Theo rao giảng của đảng, cán bộ là đày tớ của dân, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, suốt đời hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Cụ Hồ dặn “việc gì có lợi cho dân thì nhỏ mấy cũng phải làm; việc gì có hại cho dân thì lớn mấy cũng không làm”, cụ rèn cán bộ thành công bộc của dân, và ít nhiều đã thành công. Tôi biết cụ thể một ông bác, bố vợ bạn tôi, làm quan to, suốt hồi tại vị không tơ hào cái gì, con cái tự làm tự ăn, khi về hưu chỉ căn nhà nhỏ đồ đạc giản dị như bao gia đình thường dân khác. Mỗi lần thăm cụ, tôi cảm động lắm. Tôi biết, cốt cách tuyệt vời như thế quá hiếm ở xứ này, càng về sau càng hiếm.
Điều nguy hiểm là, mặc dù đảng ra sức kêu gọi cán bộ, đảng viên học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nhưng trên thực tế, cán bộ đảng viên ngày càng xa rời quần chúng, đối lập với quần chúng, trong đó có một bộ phận bị quần chúng căm ghét, thành kẻ thù của nhân dân. Dột từ nóc dột xuống. Hỏng từ quan lớn xuống quan bé. Người dân không còn niềm tin ở họ. Chỉ cần giọt nước tràn ly là sự xung đột diễn ra vô phương cứu chữa. Vụ Tiên Lãng là ví dụ điển hình.
Nhiều quan chức huyện Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng đã hành xử cực kỳ tệ hại, bộc lộ sự thối nát của tầng lớp cán bộ tha hóa, mất nhân cách. Họ tự xem mình như ông trời, dân như bùn đất. Họ cho mình cái quyền muốn làm gì nói gì cũng được. Trong lúc dư luận quần chúng nhân dân phẫn nộ về vụ họ điều hàng trăm bộ đội công an kéo nhau đi cưỡng chế (tôi xin phép sẽ có bài riêng về hai chữ cưỡng chế) nhà dân lành thời điểm trước tết, vô cùng độc ác, vô nhân đạo, thì họ leo lẻo, xoen xoét cái mồm. Sai nhiều thứ lè lè nhưng cố nói lấy được. Tôi nhớ ngay sau khi xảy ra vụ việc, mấy ông quan xã Vinh Quang và quan huyện Tiên Lãng còn vu cho anh Vươn trốn thuế. Họ biết dân tình rất căm ghét hành vi trốn thuế, họ muốn kéo nhân dân vào phe đồng tình với họ. Gớm, có trốn được với mấy ông. Nếu ông Vươn trốn thuế, họ chả trưng ra bằng chứng đầy đường, chạy đằng trời. Làm gì có chuyện nói khơi khơi vậy. Này, tôi bảo cho mấy ông quan biết nhá, các ông là trùm trốn thuế đấy, lương cán bộ ba cọc ba đồng mà ông nào cũng nhà lầu xe hơi, sâm nhung phú quý, chả trốn thuế thì cái gì. Trả lời đi.
Tôi chẳng biết người khác thế nào chứ tôi vô cùng phẫn nộ và buồn khi nghe ông Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng lưỡi không xương quả quyết “anh Vươn không phải người tốt. Nói đúng ra anh Vươn chẳng có công lao gì, cũng chẳng phải là người đi đầu vì sử dụng hàng chục hecta và thu lời nhưng không đóng góp gì cho địa phương. Đặc biệt từ năm 2007 đến nay anh hoàn toàn ăn không. Anh đắp đê để thu lợi cá nhân chứ có ích gì cho xã hội”. Còn ông Chủ tịch huyện Lê Văn Hiền, “mặc dù ngôi nhà này (của ông Đoàn Văn Vươn- NT) không nằm trong diện tích cưỡng chế thu hồi đất theo Quyết định 461/QĐ-UB ngày 7.4.2009 của UBND H.Tiên Lãng, nhưng do ngôi nhà này đã xảy ra vụ tấn công vào lực lượng cưỡng chế, là địa điểm xảy ra việc phạm tội nên cơ quan chức năng của H.Tiên Lãng phải sử dụng biện pháp phá ngôi nhà”. Còn ông Bùi Quang Sản- Giám đốc Sở TN-MT TP.Hải Phòng mặc dù biết rõ mười mươi quyết định giao đất cho ông Vươn ký năm 1997 nhưng cố tình bóp méo, uốn éo miệng lưỡi rắn độc “UBND H.Tiên Lãng giao đất cho ông Vươn là ngày 4.10.1993, tính theo luật Đất đai 1987 nên H.Tiên Lãng giao đất là đúng” (tôi hỏi ông Sản, có phải ông cố tình không biết, còn nếu biết thì tại sao giao đất năm 1997 không dựa vào luật Đất đai sửa đổi năm 1993 đã có hiệu lực mà dựa vào luật năm 1987 làm gì?).
Hỡi các ông quan, đừng tưởng “miệng nhà quan có gang có thép”, giết dân thế nào cũng được. Các ông hại dân tức các ông tự chặt chân ghế mình đấy, tự hại thân nghìn vàng mình đấy.
Ngày xưa dân quá hiểu quan nên họ đúc kết “muốn nói oan làm quan mà nói”, “quan có cần nhưng dân chưa vội, quan có vội quan lội quan sang”, “miệng nhà quan có gang có thép”, và đặc biệt thì “miệng quan trôn trẻ”. Trời ạ, mồm người cầm cân nảy mực như cái lỗ đít đứa trẻ con. Thiết nghĩ chả cần bình luận gì nhiều. Đó là họ nói quan chứ không phải cán bộ, đảng viên. Rất tiếc, thời nay quan hơi bị nhiều, to nhỏ, lớn bé đủ cả. Đến mức trên báo Tuổi Trẻ, mục Thời sự và bình luận ra ngày thứ sáu 13.1, tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa (và báo Tuổi Trẻ) đã gọi thẳng họ là quan với cái tít “đằng sau mỗi chức quan”, phanh phui bao nhiêu tệ hại của tầng lớp thống trị này.
Để tạm kết thúc, tôi xin mượn lời thằng hề chèo mà hồi sinh viên tôi được nghe cụ Hà Văn Cầu giảng. Thằng hề ấy nói thẳng vào mặt quan: Bẩm quan, quan là quan nên quan quàn dân, còn con là dân thì con dần quan!
13.1.2012
Nguyễn Thông
http://phamvietdao2.blogspot.com/2012/01/oi-ieu-thua-voi-ong-ang-hung-vo.html
ĐÔI ĐIỀU THƯA VỚI ÔNG ĐẶNG HÙNG VÕ
Trương Nhân Tuấn.
Cựu thứ trưởng Đặng Hùng Võ vừa lên tiếng về vụ Đoàn Văn Vươn trên báo Tuổi Trẻ hôm qua là một điều đáng mừng. Ý kiến của ông Võ dễ thuyết phục vì không dựa lên tình cảm mà dựa lên luật lệ nhà nước. Hy vọng các cơ quan hữu trách theo tinh thần của Thứ trưởng Đặng Hùng Võ để giải quyết thỏa đáng vấn đề này. Tuy vậy, các ý kiến của ông Võ, trên phương diện kỹ thuật, theo tôi vẫn có một vài lấn cấn, không phải do kiến thức, mà đến từ “cơ chế” của nhà nước. Tôi nghĩ rằng luật lệ áp dụng cho trường hợp “thu hồi đất” của ông Vươn có một số điều mâu thuẫn, nhất là các điểm về thể lệ giao đất, diện tích tối đa đất được giao, thời hạn được sử dụng đất, phương thức thâu hồi đất… Ngoài ra còn có những mâu thuẫn giữa tính công bằng của xã hội chủ nghĩa với quyền tư hữu của kinh tế thị trường, hoặc giữa « tư điền » là tập tục ngàn năm của dân tộc Việt với « sở hữu đất đai thuộc về toàn dân » của chủ nghĩa xã hội. Nếu đúng như tôi nghĩ, trường hợp cá biệt của Đoàn Văn Vươn, nếu chỉ dựa hoàn toàn trên pháp luật (mà pháp luật có điều không ổn) thì việc giải quyết chắc chắn sẽ gây nên những điều oan ức. Việc nổ súng đáng tiếc trong khi giải tỏa đất đã nói trước việc này. Hy vọng ông Võ (hay người có thẩm quyền khác) sẽ lên tiếng giải thích. Các thắc mắc của tôi gồm các điểm:
1/ Phân loại khu vực đất:
Thứ trưởng Đặng Hùng Võ nhận xét: “theo Luật đất đai năm 1993, cụ thể là theo nghị định 64 về việc giao đất sản xuất đối với đối tượng ở đây là giao đất sản xuất trồng cây hằng năm, nuôi trồng thủy sản, làm muối… “
Tôi nghĩ khác. Khu vực gọi là “đất” mà ông Vươn sử dụng từ năm 1993 không thuộc vào bất kỳ một loại “đất” nào đã được qui định theo điều 11 bộ Luật đất đai năm 1993 hay điều 13 bộ Luật đất đai năm 2003.
Thật vậy, trước khi « khu vực đất » này được giao cho ông Vươn thì nó không thể gọi là « đất » để « trồng cây hàng năm », cũng không thể gọi đơn thuần là « đầm » để « nuôi trồng thủy sản », và nó cũng không thể sử dụng vào việc « làm muối » như Thứ Trưởng Võ đã nói. Nếu chiếu theo Luật Hồng Đức thì khu vực này không thuộc diện « điền » (không thể trồng trọt hay làm muối – diêm điền), cũng không thuộc diện « thổ » (không thể định cư), và cũng không thuộc diện « trạch » (không thể nuôi cá).
Đây là một khu vực đất đang bồi, thường xuyên ngập nước biển và hàng năm chịu nhiều thiên tai bão lụt. Theo luật của các (nước Tây phương) hay Luật về thổ trạch ở VN các thời kỳ trước, vì lý do an ninh, các vùng đất này không được nhà nước cấp cho dân, hay không khuyến khích cho dân khai hoang, vỡ hóa… nhằm định cư hay khai thác kinh tế.
Vấn đề đặt ra, theo pháp luật, nhà nước có thể cấp cho ông Vươn khai thác « khu vực đất » đó hay không? Nhà nước có trách nhiệm gì nếu tai nạn do thiên tai (bão, lụt) đổ xuống?
2/ Tính không hợp lý của việc thâu hồi đất trong bộ Luật về đất đai.
Nhưng “khu vực đất” này vẫn được chính quyền địa phương Hải Phòng cấp cho ông Vươn khai thác, bất chấp những hiểm nguy có thể gây ra cho cá nhân và gia đình ông Vươn.
Để biến khu vực “đất không thể sinh sống” thành một khu vực xếp vào hạng “điền trạch” (tức vừa định cư vừa nuôi thủy sản), ông Vươn đã sử dụng kiến thức kỹ sư của mình để làm các việc sau :
a) Đắp một con đê dài 2 cây số để ngăn lũ lụt, (con đê này đem lại lợi ích cho nhiều gia đình lân cận, chứ không hẳn cho cá nhân ông Vươn)
b) Trồng cây vẹt để giữ đất bồi đồng thời để che bão
c) Đổ đất, cát, đá… làm nền
Làm các công trình (a) và (b) ông Vươn đã biến một vùng bờ biển hiểm nguy thành một cái « trạch » (đầm nước) có an ninh. Công trình (c) biến một góc « trạch » thành « điền » (đất trồng trọt) và “thổ” (đất xây cất). Sau 17 năm gầy dựng, ông Vươn đã tạo ra một « khu vực điền – thổ – trạch » có diện tích là 40 ha. Điều đáng chú ý là khu vực này, theo lời dân sống ở đó, trước khi giao cho ông Vươn, “nhà nước không dám khai phá”.
Nhà nước thâu hồi đất này dựa trên điều 6 Luật đất đai 2003, theo qui định khoản đ) « chuyển mục đích sử dụng đất » hay các điều qui định ở mục 4. Dĩ nhiên nhà nước có quyền, theo Hiến pháp và Luật, nhưng thử đặt giả thuyết : nếu « khu vực đất » đó không giao cho ông Vươn, tức vẫn còn là một vùng đầm lầy phủ sóng và luôn chịu gió bão, liệu nhà nước có qui hoạch hay lên kế hoạch sử dụng khu vực này hay không ?
Nếu câu trả lời là “không” thì không có lý do gì nhà nước hôm nay lại thâu hồi khu vực đất ấy.
Trong khi điều 12 qui định: Nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng đất đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học và công nghệ để “Khai hoang, phục hoá, lấn biển, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước hoang hoá vào sử dụng” (khoản 1)
Ông Vươn đã tin tưởng vào điều luật đó, đã đem kiến thức khoa học, tiền vốn và công sức để làm các điều mà nhà nước khuyến khích.
Vậy mà nhà nước đã có quyết định thâu hồi (trong khi thời hạn sử dụng chưa mãn).
Người ta không thể vừa “khuyến khích” vừa “thâu hồi “. Ở đây “khuyến khích” có nghĩa là cho làm, “thâu hồi” có nghĩa là không cho làm. Mâu thuẫn ở đây khá rõ rệt. Việc này làm mất niềm tin của dân chúng vào nhà nước và luật của nhà nước?
3/ Về diện tích sử dụng đất và thời hạn sử dụng:
Thứ trưởng Võ nói rằng “thời hạn giao đất được Luật đất đai quy định là 20 năm.” … “Luật quy định hạn mức được giao đối với một hộ gia đình cá nhân không được vượt quá 2ha”.
+ Về diện tích đất được giao. Khu vực đất của ông Vươn tạo nên là do công sức của ông và gia đình trong việc đắp con đê dài 2km để ngăn lũ và trồng các hàng cây vẹt để giữ đất. Đất của ông Vươn tân tạo được tính từ con đê chận lũ.
Đặt giả thuyết, nếu nhà nước lúc đầu đã qui định ông Vươn chỉ được giao 2 ha đất, thì chắc chắn ông Vươn sẽ không nhận. Vì nhận cũng không làm được gì! Muốn cải tạo đất thì phải làm con đê chận lũ và trồng vẹt giữ đất bồi. Tức là, hoặc ông Vươn tân tạo được 40 ha đất thổ trạch, hoặc không tạo ra khoảnh đất nào cả. Không ai bỏ công sức làm con đê, trồng rừng vẹt để nhận 2 ha, ngoại trừ việc nhà nước bỏ công để làm (như trường hợp Nguyễn Công Trứ ở huyện Tiền Hải, sẽ nói bên dưới).
Ông Vươn đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu vì thế thuộc diện người đang sử dụng đất ổn định (điều 4 phần 3), như vậy đã 17 năm qua.
Qui định ông Vươn chỉ có 2 ha sử dụng là mâu thuẫn với thực tế. Thực tế ở đây là nhà nước hàm ý công nhận quyền sử dụng của ông Vươn trên toàn vùng đất mà ông này khai thác. Trong 17 năm nhà nước không phản đối, thì nhà nước đã chấp nhận thực tế đó.
Nhà nước, qua cơ quan tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý. Nếu hôm nay nhà nước nói ngược lại, thì còn đâu là công lý?
+ Về thời hạn được sử dụng đất, theo tôi cũng không thể áp dụng trong trường hợp của ông Vươn. Bởi vì, trong 17 năm sử dụng, thời gian cải tạo khu vực đất không thể không chiết tính ra. Mặt khác, ông Vươn đã đầu tư rất nhiều công và của. Huê lợi thâu từ việc sử dụng đất vẫn chưa trả hết nợ.
Khu vực sinh sống của ông Vươn đã được qui định theo điều 66, khoản 2,3 và 4, là « đất sử dụng ổn định lâu dài ». Mặt khác, điều 67 về thời hạn sử dụng đất, cho phép sử dụng đến 50 năm ở các loại cây trồng lâu dài. Trường hợp của ông Vươn thì luật không qui định, nhưng về tính hợp lý, cũng phải để cho ông Vươn sử dụng ít ra 50 năm. Với thời hiệu này ông Vươn mới có thể thâu được huê lợi tương xứng với công lao, của cải mà ông đã đổ xuống.
Nhà nước không thể vịn vào bất kỳ lý cớ gì để thâu hồi đất này của ông Vươn, như đã nói ở phần 2. Vì nó không công bằng. Nếu đất đó để yên, không có ông Vươn ra sức cải tạo, thì không thể đưa vào sử dụng.
+ Ngày xưa, sẽ nói bên dưới, vua chúa có toàn quyền trên số phận của mỗi thần dân, nhưng cũng không có các hành vi bạo ngược trưng thâu đất tư điền một cách tự tiện. Huống chi ngày hôm nay, chế độ xã hội chủ nghĩa, nguyên tắc là đem công bằng cho mọi người trong xã hội. Mà nguyên tắc của công bằng là, trước khi bảo vệ quyền sử dụng đất của mỗi người, thì phải tôn trọng đúng mức quyền sử dụng đất (thời hiệu sử dụng) của từng cá nhân.
Như vậy còn đâu tính công bằng của XHCN do hiến pháp qui định mà nhà nước phải thực thi ?
4/ Về “tư điền” và sở hữu toàn dân:
+ Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, một tập tục ngàn năm của Việt Nam được lưu truyền từ đời này sang đời kia, đến trước thời xã hội chủ nghĩa :
“Nếu có người tự đem sức lực của mình khai khẩn những nơi rừng rú bỏ hoang, khi đã thành điền phải khai rõ, liền cho phép coi như là “bản bức tư điền”. Chỉ nhà nước mới có quyền thu thóc tô, còn dân xã không được tranh ruộng tư ấy. Cái lệ ấy thành ra vĩnh viễn”.
Tức đất hoang mà người dân bỏ công khai phá, như trường hợp ông Vươn, sẽ thuộc vào loại « bản bức tư điền », tức sẽ trở thành ruộng riêng của ông Vươn (và con cháu sau này của ông).
Một trường hợp khai khẩn đất hoang ở nước ta, vào đầu thế kỷ 19, cần nhắc ở đây, là việc thành lập huyện Tiền Hải ở Nam Định của cụ Nguyễn Công Trứ. Huyện Tiền Hải trước kia vốn là một bãi đất bồi (bãi Tiền Châu), việc khai khẩn gọi là « doanh điền », do cụ Nguyễn Công Trứ hướng dẫn với sự ủng hộ của triều đình qua việc giúp đỡ tiền bạc và dụng cụ khai phá. Những người dân khai khẩn vùng đất mới bồi này, phần lớn được làm chủ các khoản đất do dọ tạo ra (gọi là tư điền) và có bổn phận đóng thuế cho nhà nước.
+ Dưới thời thực dân cũng thế, người dân nào khai khẩn đất hoang thì đất đó thuộc quyền sở hữu của người đó. Trong khi đó, chính quyền thực dân đã giúp đào kinh chằn chịt khắp nơi để cho dân xả nước phèn, biến một vùng đất phèn, đồng chua thành một kho lúa gạo to lớn của miền Nam hiện nay. Dưới thời Mỹ xâm lược, chế độ tay sai bán nước Mỹ-Diệm, họ cũng tổ chức các khu “doanh điền”, lập “đồn điền” ở Tây Nguyên, khuyến khích dân khai khẩn đất hoang, giúp tiền bạc, xây cất nhà cửa cho dân định cư. Tất cả đất khẩn hoang cũng như nhà cửa đều thuộc quyền sở hữu vĩnh viễn của người dân.
+ Trong khi dưới thời XHCN, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhưng lại do nhà nước quản lý.
Trường hợp khai khẩn “khu vực đất” của ông Vươn thì không hề được sự giúp đỡ của nhà nước xã hội chủ nghĩa như trường hợp đất doanh điền ở Tiền Hải, đất khẩn hoang ở Nam bộ hay đất doanh điền, đồn điền ở Tây nguyên.
Nếu thời trước các nhà nước phong kiến, thực dân hay tay sai bán nước Mỹ Ngụy không trưng thâu đất, mặc dầu việc khai khẩn là có sự trợ giúp của nhà nước về tài chánh và công cụ, thì hôm nay, nhà nước không hề giúp điều gì cho ông Vươn, thì tại sao lại thâu hồi ?
Các qui định của xã hội chủ nghĩa có đi ngược lại đạo lý giống nòi hay không ?
5/ Thủ tục thâu hồi đất, mâu thuẫn giữa XHCN và kinh tế thị trường:
Như đã nói ở điều 2, việc khai khẩn của ông Vươn là một « công trình », gồm nhiều phần : con đê dài 2km, rừng vẹt, đầm nuôi cá, đất trồng trọt và đất xây dựng nhà cửa. Ngoài chi phí vật chất như tiền của, sức lao động, công trình này bao gồm hai thành quả: vật chất và trí tuệ.
Ông Vươn là một kỹ sư. Nếu công trình này không có đóng góp của kiến thức khoa học và việc đầu tư suy nghĩ lâu dài thì khu đất này sẽ không bao giờ được thành tựu như thế. Nếu giao đất cho tay ngang, người này chưa chắc sẽ hình hung ra việc đóng cừ xây đê hay trồng cây vẹt để giữ đất, đó là chưa nói đến việc phải định hướng con đê như thế nào, trồng cây vẹt ra làm sao để khỏi bị sóng đập tan và giữ được đất. Tức công trình đó còn là một công trình của trí tuệ.
Theo hiến pháp và luật định, đất đai sở hữu của toàn dân, do nhà nước quản lý. Nhưng vì có nền « kinh tế thị trường » và gia nhập WTO, do đó nhà nước VN phải tôn trọng các luật lệ do WTO qui định, (theo điều 3 khoản 2 bộ Luật đất đai 2003) trong đó có điều luật phải tôn trọng quyền sở hữu tài sản cũng như sở hữu trí tuệ của tư nhân.
Nhà nước có thể thâu hồi đất mà bỏ qua quyền sở hữu trí tuệ cùng sở hữu tài sản của ông Vươn ? Không giải quyết ổn thỏa là tạo ra sự xung đột giữa hai bộ luật (luật quốc tế và luật quốc gia) mà theo lẽ VN phải đặt luật quốc tế lên trên.
Mâu thuẫn ở đây là mâu thuẫn của nền “kinh tế thị trường” với định hướng “xã hội chủ nghĩa”.
Nhưng sự mâu thuẫn này đã tạo ra tại VN một tầng lớp giàu mới do kinh doanh về đất đai. Con số này chiếm đến 40%. Như thế, việc này gián tiếp tạo cho VN một nền kinh tế què quặc, do việc tư bản nội địa không đầu tư vào kinh doanh hay sản xuất mà đầu tư vào một ngành không tạo ra công ăn việc làm hay của cải vật chất cho xã hội. Nó chỉ mở một môi trường tốt đẹp tại VN cho hàng hóa dỏm của TQ vào thống lĩnh thị trường.
6/ Kết luận: Đôi điều với Thứ Trưởng Võ như thế. Theo tôi, về pháp luật, nếu có sự mâu thuẫn (như đã dẫn ra) thì ánh sáng công lý sẽ không bao giờ rọi dến các nơi tối tăm, ở các vùng sâu, xa, như ở xã Vinh Quang, huyện Tiên lãng, tỉnh Hải Phòng. Việc lên tiếng của ông Võ là một điều tốt, vì nó rất cần thiết cho việc xét xử ông Vươn. Nhưng ở những mâu thuẩn giữa đạo lý giống nòi với đạo lý xã hội chủ nghĩa hay giữa kinh tế XHCN và kinh tế thị trường thì cần điều chỉnh lại. Xã hội chủ nghĩa trên nền tảng Mác Lê đã đi vào quá khứ, do tính lỗi thời của nó. Nếu VN tiếp tục kéo dài, tầng lớp dân oan ngày càng lớn, các nỗi bất bình sẽ có ngày bùng nổ, trong khi lớp cường hào ác bá đỏ sẽ có môi trường tốt để hoành hành.
Hy vọng nhiều người khác cũng sẽ lên tiếng như Thứ trưởng Võ. Đó cũng là việc công ích cho xã hội.