Vẫn bị địch đánh lừa! (Bài 1)


Lữ Giang

Sau khi chiếm miền Nam, Đảng CSVN đã cho văn công biên soạn và ấn hành nhiều tài liệu nói về những thắng lợi về tình báo của họ tại miền Nam Việt Nam trước 1975. Sau đây là ba tài liệu chính:

(1) Bộ phim “Ván Bài Lật Ngửa” gồm 8 tập của đạo diễn Khôi Nguyên (tên thật Lê Hoàng Hoa), do Xí nghiệp phim Tổng hợp Thành phố Sài Gòn sản xuất từ 1982 đến 1987. Bộ phim này kể về quãng đời hoạt động của điệp viên Phạm Ngọc Thảo và tôn Phạm Ngọc Thảo là “một điệp viên siêu hạng”.

(2) Bộ truyện “Ông Cố Vấn, Hồ Sơ Một Điệp Viên” của nhà văn Hữu Mai, viết về cuộc đời hoạt động của điệp viên Vũ Ngọc Nhạ trong khoảng thời gian từ 1958 đến năm 1975 và vụ án Huỳnh Văn Trọng. Tác phẩm được xuất bản lần đầu vào năm 1987, bao gồm 3 tập.

Vũ Ngọc Nhạ (2) và Phạm Xuân Ẩn (3) được đeo lon ra trình diễn

(3) Cuốn “Phạm Xuân Ẩn – Tên người như cuộc đời” của Nguyễn Thị Ngọc Hải. Đây là cuốn tiểu thuyết viết rất bựa vì bà Hải không biết chút gì về tổ chức chính quyền miền Nam nên cứ phang bừa thành ra lố bịch.

Khôi hài hơn, Larry Berman đã đến Việt Nam phỏng vấn Phạm Xuân Ẩn rồi cóp gần như toàn bộ các sự kiện giả tưởng ghi trong cuốn “Phạm Xuân Ẩn – Tên người như cuộc đời” của Nguyễn Thị Ngọc Hải và về viết cuốn “Perfect Spy”!

MỤC TIÊU CỦA SỰ LỪA GẠT

Trên đây chỉ là những câu chuyện giả tưởng được biên soạn dựa vào một số sự kiện có thật và một số nhân vật có thật rồi tiểu thuyết hoá. Các nhân vật tình báo được đề cao là Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ và Phạm Xuân Ẩn thật ra chỉ là những tên cắc ké được giao cho phụ trách một số công tác đặc biệt. Sở dĩ Đảng CSVN cho đề cao những tên cắc ké này để che đậy những sự thất bại lớn lao về hoạt động tình báo của Hà Nội tại miền Nam:

(1) Hai nhân vật chỉ huy tình báo của Hà Nội đã bị cơ quan an ninh VNCH tóm gọn, đó là Trần Quốc Hương (còn được gọi là Trần Ngọc Ban, tự là Mười Hương) thuộc Cục Tình Báo Chiến Lược, chỉ huy Điệp Báo tại miền Nam và Đại Tá Lê Câu, Chỉ Huy Cục 2 Quân Báo Miền Nam.

(2) Khoảng 60 cụm tình báo chiến lược của Hà Nội đã bị phá vỡ, không kể các cụm tình báo địa phương.

(3) Khoảng 93.362 cán bộ và đảng viên nằm vùng đã bị  bắt hay ra đầu thú trong chưa đầy một năm. Hầu hết các cơ sở đã bị phá vở. Vì không chịu nổi chiến dịch tố Cộng tại miền Nam, năm 1957 Lê Duẫn, Bí Thư Xứ Ủy Nam Bộ, phải bỏ ra Hà Nội.

Sau đây là một vài bằng chứng cụ thể chứng minh sự thất bại nghiêm trọng của Hà Nội;

Cuốn “Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 – 1955” của Bộ Quốc Phòng Hà Nội, đã viết:

Chỉ từ tháng 7–1955 đến tháng 2–1956, Mỹ – Diệm đã giết hại, giam cầm 93.362 cán bộ, đảng viên và những người yêu nước. Cơ sở đảng, cơ sở quần chúng bị tổn thất nặng.

“Ở Tây Nam Bộ, sau hai năm thực hiện đấu tranh chính trị, đã có một đồng chí Phó Bí Thư Xứ Ủy, 18 tỉnh ủy viên, 100 huyện ủy bị giết.

“Tỉnh Thủ Đầu Một ta bố trí ở lại 1.647 đảng viên chỉ còn 260. Tỉnh Gia Định 3.000 đảng viên chỉ còn 350. Huyện Hàm Thuận (Bình Thuận) từ 656 đảng viên đến ngày 20.7.1955, chỉ còn 80 đảng viên, v.v.

“Đặc biệt nghiêm trọng, do bị khủng bố dã man ở một số địa phương đã ra đầu hàng, tự thú với địch. Ở Bình Định, hầu hết đảng viên bị bắt đều khai báo tự nhận mình là đảng viên hoặc khai cho người khác. Hai huyện Nghĩa Hành và Đức Phổ (Quảng Ngãi), tính đến tháng 8–1955, có 80% đảng viên khai báo. Xã Phong Chương (Phong Điền, Thừa Thiên) có chi bộ 25 đảng viên, ra đầu hàng 24 còn một phải chạy trốn. Một số đảng viên không tin ở đấu tranh chính trị thành công đã dao động, chạy dài, tránh né công tác, thậm chí có người tập ăn nhạt, uống ít nước để nằm hầm bí mật được lâu. Những số liệu này cho thấy bản chất phản động tàn bạo của chính quyền Diệm và tính chất ác liệt của cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam.”

[“Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 – 1955”, Bộ Quốc Phòng, Tập II, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 73 – 74].

Cuốn hồi ký mang tên “Bội Phản hay Chân Chính?” của Dư Văn Chất, Phái khiển của cụm tình báo chiến lược A.22 đã ghi lại như sau:

Đây là một ngành an ninh đích thực, nhưng là một “siêu tổ chức” với nhiều đặc thù mà không có bộ máy nào của Ngụy so sánh được. Nó tập trung quyền lực cao độ: cực quyền, với các phương thức hoạt động hết sức tinh vi, hiểm độc và táo bạo. Trong cái nhà tù không song sắt, Công an Mật vụ cùng với kháng chiến Việt Cộng ăn chung, ngủ chung, chơi chung và công tác chung. Chuyện khó tin mà có thật, và chỉ có được trong thời điểm lịch sử nhất định. Bắt đầu từ cuộc đấu tranh chính trị đòi hỏi hiệp thương tổng tuyền cử cho tới tiếng súng Đồng Khởi hạ màn kết thúc. Thành tích chống Cộng của Mật vụ Ngô Đình Cẩn – Dương Văn Hiếu thật diệu kỳ. Chúng đánh phá vào cơ quan đầu não của các Đảng bộ miền Trung như Liên Khu Năm, Tỉnh Ủy Thừa Thiên, Thành Ủy Huế rồi Đà Nẵng. Tiến xuống phía Nam, chúng tấn công cơ sở Đặc Khu Sài Gòn Chợ Lớn, Thủ Biên, Cần Thơ. Nổi bật nhất là Mật vụ Miền Trung đánh bắt gọn các lưới Tình Báo Chiến Lược của ta trải suốt từ Bến Hải tới Sài Gòn trong vòng chỉ một năm.”

[Dư Văn Chất, Bội Phản hay Chân Chính, Saigon 1992, tr.2].

ĐIỀU ĐÁNG TIẾC

Người ta tưởng những chuyện giả tưởng nói trên chi có thể đánh lừa được người dân miền Bắc vì dưới chế độ miền cộng sản, mọi thông tin đều bị bưng bít. Không ngờ một số viên chức cao cấp, một số nhà đấu tranh chống cộng và nhà báo VNCH cũng đã tin những tài liệu bịa đặt này và một số người đã trích dẫn các tài liệu đó như là “những sự kiện lịch sử”!

Một Đại Tá điều khiển ngành Cảnh Sát Đặc Biệt của VNCH, cho đến nay vẫn chưa thấy được mặt thật của hai vụ án Huỳnh Văn Trọng và Trần Ngọc Châu, vẫn viết sách nói đó là những vụ điệp báo có thật của địch do ta khám phá ra! Thậm chí Hoà Thượng Quảng Độ, người lãnh đạo Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất cũng đã tin và trích dẫn. Trong Thông Tư số 07/VHĐ/VT đề ngày 17.1.2010, Hoà Thượng tố cáo các chính phủ VNCH đã bị Cộng Sản xâm nhập. Hoà Thượng viết:

“Trái lại, việc rõ như ban ngày là sự xâm nhập của những lưới tình báo chiến lược Cộng sản vào nằm giữa Phủ Tổng thống dưới hai triều Tổng thống Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu, nội tuyến trong các cơ quan quốc phòng, cảnh sát, báo chí, v.v…: những ông Vũ Ngọc Nhạ, Huỳnh Văn Trọng, Phạm Ngọc Thảo, Phạm Xuân Ẩn… Chỉ nêu vài tên điển hình, vì thực tế nhiều vô kể. Chẳng có ai là Phật tử trong đám người này.”

Chỉ cần so với những nhân vật tình báo thứ  cấp của Hà Nội tại miền Nam như Văn Viên, Hoàng Minh Đạo, Trần Ngọc Hiền, Lê Hữu Thúy…, thì Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ và Phạm Xuân Ẩn còn nằm dưới quá xa và chỉ là thuộc cấp. Còn Huỳnh Văn Trọng chưa bao giờ là điệp viên của Cộng Sản.

(Còn tiếp)

Ngày 5.6.2012

Lữ Giang

2 comments on “Vẫn bị địch đánh lừa! (Bài 1)

Bình luận về bài viết này