Nguyễn Hải Hoành – Xã hội công dân ở Trung Quốc (Kỳ cuối)

 

Posted by ttxcc2 on 25/06/2012

Nguyễn Hải Hoành – Xã hội công dân ở Trung Quốc (Kỳ 1)

Nguyễn Hải Hoành – Danluan

So với phương Tây, các tổ chức xã hội của Trung Quốc còn rất không chín muồi, chưa thể hiện rõ tính chất tự chủ, tự nguyện, phi chính phủ; còn nặng tính quá độ, tương ứng với thực tế xã hội Trung Quốc đang ở thời kỳ chuyển đổi.

5. Đặc điểm của xã hội công dân Trung Quốc

1. Do chính quyền chủ đạo: vì hầu hết các TCXH là do nhà nước lập ra và chỉ đạo, nhất là các TCXH đã đăng ký hợp pháp và có ảnh hưởng lớn như các tổ chức ngành nghề, đồng nghiệp, đoàn thể nghiên cứu, đoàn thể lợi ích. Tuy đảng và nhà nước cố gắng tăng cường tính tự chủ của các TCXH, quy định cán bộ lãnh đạo đảng và nhà nước không được nhận chức vụ lãnh đạo các tổ chức này nhưng trên thực tế các TCXH quan trọng đều tiếp nhận sự chỉ đạo của đảng, chính phủ.

Đó là do: – Điều lệ đăng ký và quản lý TCXH quy định các tổ chức này phải dựa vào một ngành chủ quản là một cơ quan đảng/nhà nước; – Hầu hết các TCXH có ảnh hưởng lớn đều do nhà nước lập ta, cho dù cuối cùng họ dần dần tách ra khỏi cơ quan sáng lập nhưng hai bên vẫn có quan hệ khăng khít; bên sáng lập vẫn là ngành chủ quản của TCXH đó; – Tuy chính phủ đã có quy định các TCXH về nguyên tắc phải tự lo kinh phí hoạt động, nhưng thực tế một số TCXH quan trọng vẫn được nhà nước cấp kinh phí, tức về tài chính vẫn ỷ lại nhà nước.

2. Môi trường cơ chế của Trung Quốc về vĩ mô tuy khuyến khích XHCD nhưng về vi mô thì chủ yếu vẫn hạn chế sự phát triển của XHCD. Việc đăng ký hoạt động và quản lý các TCXH còn rắc rối, thí dụ TCXH phải tiếp nhận sự quản lý của hai cơ quan chính quyền ngang cấp là cơ quan của Bộ Dân Chính và cơ quan quản lý cùng ngành.

3. So với phương Tây, các TCXH của Trung Quốc còn rất không chín muồi, chưa thể hiện rõ tính chất tự chủ, tự nguyện, phi chính phủ; còn nặng tính quá độ, tương ứng với thực tế xã hội Trung Quốc đang ở thời kỳ chuyển đổi.

4. Sự phát triển các TCXH còn chưa quy chế hóa tuy là năm 1998 Bộ Dân Chính đã ban hành Điều lệ mới về quản lý các tổ chức này.

Cụ thể: – Các TCXH quan trọng đã hành chính hóa cao độ như Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Hội Phụ nữ trên thực tế không khác gì các cơ quan hành chính nhà nước, họ trực tiếp chịu sự lãnh đạo của cơ quan đảng và chính quyền các cấp, không phải đăng ký với Bộ Dân Chính. – Các TCXH đã tương đối hành chính hóa như các hội quản lý ngành nghề (Hội Công thương, Hội người tiêu dùng …) có biên chế nhất định, được coi là một cấp hành chính nhất định, người phụ trách do các cấp đảng và nhà nước cử. – Các TCXH về cơ bản là dân gian hóa, như các hội học thuật, hội nghiên cứu thì phần lớn chưa có biên chế chuyên trách, người lãnh đạo do họ tự bầu lên rồi trình cơ quan chủ quản duyệt, không được hưởng chế độ cấp bậc hành chính. – Các đơn vị dân lập phi doanh nghiệp là những TCXH rất đặc biệt, không có cấp bậc hành chính, trình độ hành chính hóa rất thấp, ngoài nghiên cứu chuyên môn và trao đổi ra còn làm một số dịch vụ chuyên ngành, như Viện Quản lý nghiên cứu Trung Quốc, Viện nghiên cứu phát triển Trung Quốc, Viện nghiên cứu văn hóa Trung Quốc.

5. Sự phát triển của các TCXH rất không cân đối, địa vị và ảnh hưởng trong đời sống kinh tế chính trị rất khác nhau, chủ yếu do khác nhau về nguồn lực, về cơ sở văn hóa, về thực lực kinh tế, về uy tín của người lãnh đạo.

6. Phương hướng phát triển xã hội công dân ở Trung Quốc hiện nay

Nhìn chung thái độ của xã hội Trung Quốc đối với các TCXH đã từ chỗ phủ nhận và nghi ngờ tiến tới khẳng định và ủng hộ. Tuy vậy vẫn còn không ít ý kiến lệch lạc. Điển hình nhất là quan điểm cho rằng các TCXH là đối thủ tự nhiên của chính quyền, vì thế một số cán bộ chính quyền có thái độ thiếu hợp tác với các tổ chức này. Nhà nước cũng chưa ban hành đầy đủ các văn bản pháp quy về hoạt động của các TCXH, do đó gây khó khăn cho họ..

Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng CSTQ lần thứ XVII đề xuất: Phát huy tác dụng tích cực của các TCXH trên mặt mở rộng sự tham gia của quần chúng, phản ánh các khiếu nại của quần chúng, tăng cường chức năng tự trị xã hội. Sau đại hội, mối quan hệ giữa Đảng và chính phủ với các TCXH dần dần chuyển biến từ kiểm soát sang giúp các TCXH đào tạo cán bộ và khuyến khích họ hoạt động. Đề cương Kế hoạch 5 năm lần thứ XII lần đầu tiên chính thức nêu ra yêu cầu phải “tăng cường xây dựng các TCXH” – đây là một chuyển biến thực sự, quan trọng. Chính quyền các cấp bắt đầu tăng tài trợ cho các TCXH và giao cho họ bao thầu một số dịch vụ xã hội. Các nguồn tài trợ từ dân gian cho các TCXH cũng tăng dần. Tuy vậy nhìn chung nguồn lực của các tổ chức này hãy còn yếu và thiếu nhiều.

Phương hướng phát triển XHCD ở Trung Quốc hiện nay là tiếp tục xúc tiến toàn xã hội, nhất là quan chức đảng và nhà nước các cấp, nhận thức rõ ý nghĩa chiến lược của XHCD, qua đó có thái độ khuyến khích và hợp tác với các TCXH. Cần hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan, một mặt quản lý các TCXH theo luật, một mặt tăng tốc nới lỏng sự kiểm soát các tổ chức đó, tăng cường giúp họ đào tạo cán bộ và khuyến khích họ hoạt động. Chính quyền các cấp cần tích cực thu hút các TCXH tham gia việc hoạch định chính sách công, phát huy tác dụng của họ trong quản lý xã hội, cố gắng thực hiện nhà nước và nhân dân cùng quản lý xã hội.

Có thể khẳng định công dân tích cực tham gia sinh hoạt chính trị là con đường cơ bản thực hiện dân chủ; không ngừng mở rộng sự tham gia chính trị một cách có trật tự của công dân là mục tiêu của Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Sự tham gia chính trị tốt nhất không phải là tham gia một cách tự phát, rời rạc mà là tham gia có tổ chức, thông qua các TCXH. Như vậy đỡ gây rắc rối và tốn kém cho chính quyền, đồng thời thể hiện được nguyện vọng của dân và cáng tăng được nhiệt tình tham gia của dân. Một XHCD kiện toàn là nền tảng của chính trị dân chủ, là hậu thuẫn vững chắc cho quyền dân chủ của dân.

Phát triển XHCD nhằm mục đích cuối cùng là thực hiện sự cai trị hoàn hảo (good government) mà người Trung Quốc cổ đại gọi là Thiện chính hoặc Nhân chính; đại để gồm mấy yếu tố: luật pháp nghiêm minh, quan chức thanh liêm, hiệu suất hành chính cao, dịch vụ hành chính tốt.

Trung Quốc hiện đang tích cực xây dựng xã hội hài hòa. Mâu thuẫn lợi ích là trở ngại lớn nhất của việc xây dựng xã hội hài hòa. Phát triển XHCD chính là biện pháp thúc đẩy xây dựng xã hội hài hòa, trong đó các TCXH có tác dụng quan trọng; không có XHCD lành mạnh thì không thể có một xã hội thực sự hài hòa.

Phát triển XHCD còn góp phần nâng cao năng lực cầm quyền của ĐCSTQ, trong đó có việc nâng cao hiệu suất công tác quản lý; muốn vậy cách hữu hiệu nhất là giao nhiều công việc xã hội cho các TCXH quản lý.

7. Hoạt động nghiên cứu xã hội công dân ở Trung Quốc

Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu XHCD từ thập niên 80, khi khởi sự tiến trình cải cách mở cửa. Mới đầu chỉ có các nghiên cứu cá nhân với điểm xuất phát thấp; từ đầu thập niên 90 lần lượt xuất hiện các tổ chức chuyên nghiên cứu về XHCD, như Trung tâm XHCD ở một số trường đại học, xuất bản các tạp chí, lập các website về đề tài này.

Năm 1986 khi Trung ương ĐCSTQ xuất bản sách Hướng dẫn việc Xây dựng Nền Văn minh Tinh thần, trong đó nhấn mạnh việc “phát huy ý thức công dân xã hội chủ nghĩa,” giới học giả thấy đây là một cơ hội tốt để bắt đầu công khai thảo luận về khái niệm XHCD hồi ấy ai cũng cho là một vấn đề “nhạy cảm” tránh nói tới. Lấy ý tưởng từ đề tài “Ý thức công dân”, tạp chí Khoa học xã hội Thiên Tân đặt vấn đề xét lại cách dịch từ tiếng Đức burgerliche Gesellschaft trong tác phẩm Tháng 18 sương mù của Karl Marx. Từ này trước đây vẫn được dịch là xã hội tư sản, nay một học giả đề nghị dịch là xã hội thị dân. Nhiều người tham gia phát biểu ý kiến, nổ ra cuộc tranh luận về thị dân, công dân và xã hội công dân.

Giới học giả bình luận: trước cải cách mở cửa, Trung Quốc thực hành cơ chế chính trị đơn nguyên hóa cao độ, “chính (quyền) xã (hội) hợp nhất”, hầu như công và tư, nhà nước và xã hội, chính quyền và dân hoàn toàn hợp nhất làm một; công nhấn chìm tư, nhà nước nhấn chìm xã hội, chính quyền nhấn chìm dân. Trong một xã hội toàn trị như vậy nhiều người hiểu xã hội thị dân nói trong tác phẩm của Marx là xã hội tư sản, “xã hội công dân” hoặc “xã hội dân gian” là thứ đối lập với chính quyền, Trung Quốc không thể cho phép tồn tại.

Sáng kiến của tạp chí Khoa học xã hội Thiên Tân làm cho khái niệm XHCD được đưa ra bàn thảo công khai mà không còn bị coi là vấn đề “nhạy cảm, cấm kỵ” nữa.

Tác phẩm đầu tiên viết về XHCD là cuốn Xây dựng xã hội thị dân Trung Quốc xuất bản năm 1992. Tác giả cho rằng quá trình nghiên cứu XHCD ở Trung Quốc có thể chia hai giai đoạn: – Thời kỳ 1992-2000: nghiên cứu vấn đề Trung Quốc có tồn tại XHCD hay không; có thể xây dựng được XHCD không; mối quan hệ giữa XHCD với hiện đại hóa XHCN. – Từ sau năm 2000 trở đi: chú trọng nghiên cứu lý luận XHCD của giới xã hội học phái tả phương Tây.

Tháng 1/2009, Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh phát hành Sách Xanh về sự phát triển xã hội công dân Trung Quốc, nhận định sự hình thành XHCD là một thành tựu vĩ đại của 30 năm cải cách mở cửa.

Tháng 4/2011, Trung tâm nghiên cứu XHCD của Đại học Bắc Kinh đã tổ chức cuộc hội thảo khoa học XHCD và xã hội hài hòa, thảo luận 3 đề tài: – XHCD và xã hội hài hòa; – Mối quan hệ giữa XHCD với chính quyền; – Con đường tự sinh trưởng của XHCD Trung Quốc.

Nhiều học giả đã phát biểu ý kiến

Cho tới nay giới học giả Trung Quốc vẫn tranh cãi nhiều về các vấn đề như: Thế nào là XHCD, Trung Quốc hiện nay có bao nhiêu TCXH, các tổ chức đó có tác dụng như thế nào, XHCD Trung Quốc có đặc điểm gì khác XHCD phương Tây, môi trường sinh tồn và phát triển của XHCD Trung Quốc ra sao, v.v…

ĐCSTQ đặc biệt quan tâm hướng dẫn cuộc thảo luận về XHCD nói trên. Cục Biên dịch thuộc Trung ương Đảng CSTQ đã viết nhiều tài liệu có giá trị về XHCD.

Nguồn: Tạp chí Tia Sáng

Bình luận về bài viết này