BBC tường thuật Mùa xuân Ả Rập thế nào?

 


BBC được đánh giá cao nhưng cũng có khiếm khuyết khi tường thuật Mùa xuân Ả Rập
BBC

Tường thuật của BBC về Mùa xuân Ả Rập nhìn chung không thiên vị nhưng lẽ ra cần rộng và sâu hơn, theo BBC Trust, ủy ban có trách nhiệm giám sát hoạt động của tập đoàn BBC.

Ủy ban này nói BBC cần nỗ lực giải thích rõ hơn làm thế nào Đài xác minh tính chân thực của các nội dung khán thính giả gửi về, ví dụ các phim quay bằng điện thoại.

BBC Trust khen ngợi “sự dũng cảm đáng kể của các phóng viên và kỹ thuật viên ở hiện trường”.

Bản phúc trình công phu mô tả tường thuật tổng thể của BBC là “phi thường”.

Nhưng nó cũng cho rằng lẽ ra cần theo dõi tiếp tin tức ở một số nước, phân tích đầy đủ hơn về các tiếng nói khác nhau trong phe đối lập, và phản ánh đa dạng hơn phản ứng quốc tế.

Đứng đầu nhóm thực hiện phúc trình là Edward Mortimer, một chuyên gia Trung Đông và là cựu giám đốc truyền thông của Liên Hiệp Quốc.

Ông này khen ngợi tường thuật về 18 ngày biểu tình khiến Tổng thống Ai Cập Mubarak sụp đổ, việc BBC duy trì sự có mặt ở cả hai phía của xung đột Libya, và tường thuật về cuộc nổi dậy ở Tunisia.

Nhưng ông phê bình rằng sau khi Mubarak đồng ý ra đi ngày 11/2/2012, tường thuật đã sao lãng đáng kể để dồn sức cho câu chuyện ở các nơi khác trong vùng, chủ yếu là Libya.

BBC cũng “phản ánh tương đối ít” về vi phạm nhân quyền của phe chống Gaddafi tại Libya.

Ông hỏi vì sao BBC ít nói về Ả Rập Saudi bất chấp tầm quan trọng của nước này.

Phúc trình cho biết nội dung chương trình trong nước của BBC, giống như đa số truyền thông khác của quốc tế và Anh, hầu như không quan tâm các nước Ả Rập trong những năm trước 2011.

Tuy vậy, khi các cuộc nổi dậy nổ ra, BBC, đặc biệt là trang web BBC News, đã có “nỗ lực đáng kể” để giải thích nguyên nhân và nguồn gốc xung đột.

Nguồn tin duy nhất

BBC ít nói về vi phạm nhân quyền của phe chống Gaddafi ở Libya

Trong lúc hỗn loạn xảy ra ở Trung Đông, các đoạn phim, hình ảnh của người dân bình thường và người tham gia biểu tình nhiều khi là nguồn tư liệu duy nhất.

BBC được đánh giá đã có “cố gắng đáng kể” khi cảnh báo khán thính giả về tính chân thực khó xác định của các nội dung này. Tuy vậy, đài bị nhắc cần làm việc này “có hệ thống hơn” trong tương lai.

Phân tích của Đại học Loughborough cho biết 74% trong số nội dung người đọc gửi về mà phân tích này xem xét, BBC đã không bộc lộ lo ngại về tính chân thực.

Xung quanh phản ứng quốc tế về Mùa xuân Ả Rập, BBC chỉ tập trung vào Anh, Mỹ, và Tây Âu.

Phản ứng của Nga và Trung Quốc hầu như bị bỏ qua cho mãi đến khi có nhận ra rằng hai nước này có thể và sẵn sàng ngăn Hội đồng Bảo an trừng phạt Syria. Thái độ của các nước “đang lên” như Brazil, Ấn Độ, Nam Phi hay Indonesia cũng bị bỏ qua.

Ủy ban BBC Trust nói họ đặt hàng báo cáo không phải vì cảm thấy tường thuật của BBC có khiếm khuyết.

Theo ủy ban, phúc trình cho thấy “tầm quan trọng và phức tạp của các câu chuyện xoay chuyển nhanh chóng, thường vô cùng nguy hiểm khi tường thuật tại chỗ”.

Còn Đài BBC nói rất vui khi phúc trình nói chung khen ngợi cách tường thuật và sự thừa nhận truyền thống báo chí “phi thường” và “xuất sắc”.

Đài cũng cam kết sẽ phải “tường thuật các câu chuyện lớn xảy ra đồng thời ở các nơi khác”.

Bình luận về bài viết này