Hãy cầu siêu cho những người chết trong chiến tranh Việt Nam

Lễ cầu siêu ở Trường Sa, nguồn AnhbaSam

 

NGÔ MINH

Năm bảy năm lại đây , hoạt động tôn giáo ở Việt Nam có những nét mới : Đó là việc tổ chức các Đại lễ cầu siêu cho linh hồn các liệt sĩ , anh hùng là bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… đã hi sinh đời mình cho non sông Việt Nam nói liền nột dải. Lễ cầu siêu cho những người chết trong chiến tranh, chết trong hòa bình vì tù tội, vượt biển. Hàng triệu oan hồn chưa siêu thoát, còn lang thang trong trời biển mênh mông…Ba tôi là địa chủ bị bắn oan trong cảu cách ruộng đất. Thầy coi việc âm bảo rằng, vì bị giết oan, hồn của ông 56 năm nay chưa nhập xác, cứ lang thang như kẻ ăn mày ! Hãy cùng tôi cầu siêu cho ông . Điều đó vô cùng cần thiết và đáng ghi ơn giới Tăng ni, Phật tử đã hành động vì tâm linh đất nước. Mỗi lần dự Đại lễ cầu siêu là lòng tôi lại trào dâng niềm xốn xang day dứt. Đất nước mình nghìn năm đánh giặc, lớp lớp thịt xương thành đất nuôi người. Người chết ngoài mặt trận, người chết vì bom rơi đạn lạc khắp chốn cùng quê , cả những người nước ngoài xa gia đình, tổ quốc sang Việt Nam , rồi chết nới chiến địa… Tất cả họ, những người đã chết trong hai cuộc chiến tranh ở Việt Nam , dù bên này hay bên kia chiến tuyến đều là CON NGƯỜI với bao nhiêu đơn đau, oan ức, tủi khổ, bao nhiêu hoài vọng, khát khao mang theo về bên kia thế giới, mà chưa một lần siêu thoát. Huế là nơi tôi đang sống, đến ngày Thất thủ kinh đô ( 1885), đến ngày Mậu THân ( 1968), cả thành phố cúng, cả thành phố cầu siêu, cả thành phố thắp nhang khấn vái, chia sẻ với những linh hồn…

tôi tìm tôi lửa đốt

mỏi rời chân đêm đứng chờ vợ đẻ

cửa hạnh phúc đầy tiếng rên la

bắt chước ai tôi cắm nén nhang bên gốc xà cừ

cầu bình an cho con

bình an cho mẹ

sao lại không nguyện cầu cho bình an

Huế trăm năm lớp lớp oan hồn

chính tôi một oan hồn còn sống ( Ngô Minh)

 

Tôi là người lính Giải phóng Quân miền Nam , nên mỗi lần dự lễ cầu siêu tôi lại nôn nao nhớ bạn bè đồng đội đã ngã xuống. Về phía “cách mạng”, chỉ tính trăm năm lại đây, mộ anh hùng liệt sĩ trắng phau từ Điện Biên, đến Mũi Cà Mau… Mộ có tên, mộ không tên và bao nhiêu hài cốt còn nằm côi cút nơi rừng xanh núi đỏ. Tôi ra Côn Đảo , 113 năm có 20.000 người tù bị giặc giết , trong đó chỉ có 1907 người có mộ ở nghĩa trang Hàng Dương, trong đó chỉ có 702 ngôi mộ có tên . 16 năm Trường Sơn hơn 20 vạn người trẻ trung đã ngã xuống , từng tấc núi , tấc rừng đã thấm đậm máu xương . Quảng Trị đất thiêng. nghĩa trang bạt ngàn mộ trắng. 70 vạn dân Quảng Trị đang chăm sóc 60.000 mộ liệt sĩ đã được quy tập. Ở Hải Thượng , Hải Lăng, xã có 4.000 dân thì có trên 2.000 mộ liệt sĩ. Rồi nghìn dặm biển Hoàng Sa, Trường Sa, máu các anh đã thành mặt trời mỗi sáng !

Linh hồn các anh các chị luôn hiện về bên ta trong từng việc làm, giấc ngủ. Năm 2003, tại nghĩa trang liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị ngày 27/7. Mùa hạ, trời nắng đỏ, gió Lào hừng hực. Các đoàn khách lần lượt đặt vòng hoa dâng hương dưới chân đài liệt sĩ . Đúng ngọ, khoảng trời trên nghĩa trang đang trong xanh văn vắt bỗng tối sầm lại, gió cuộn lên như lốc. Lư nhang lớn bỗng bốc cháy ngụt ngụt. Ngọn lửa cuộn lên trời cao . Có ai đó thốt lên ‘’ Các anh ấy đang về !’’ . Tất cả các quan khách đứng nghiêm trang, cúi đầu vái tưởng. Một phút sau, bầu trời bỗng sáng trở lại. Cảnh tượng linh ứng và bi tráng ấy được hàng nghìn người chứng kiến. Chiều hôm đó, trong bữa cơm, khi đó nhắc lại hình ảnh ‘’ Giây phút các anh về” lúc trưa , anh Nguyễn Đức Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị lúc đó, kể rằng lúc lễ khởi công xây dựng Đài tưởng niệm thành cổ Quảng Trị cũng xảy ra y như thế. Buổi sáng, trời cũng trong veo, nắng chang chang. Khi tất cả các bài diễn văn theo nghi thức đọc xong, băng khánh thành vừa cắt thì trời cũng đột nhiên tối sầm và gió nổi lên như lốc, cuốn tung cả tấm bạt làm phông lễ đài lên trời ! Lúc đó mọi người đếu lầm rầm truyền tai nhau: ‘’Các anh ấy đang về ! Các anh ấy đang về !’’. Chiếc xe cẩu nổ máy, nâng cần cẩu lên cao để chuẩn bị xúc xúc đất đầu tiên khởi công công trình, bỗng nhiên cẩu chết cứng, không hạ xuống được, dù máy xe vẫn còn nổ. Một anh bộ đội leo xuống xe, cầm nén nhang nghiêm trang đứng vái , rồi cắm xuống ụ cỏ gần đó . Từ lúc ấy cẩu xúc đất mới hoạt động được… Những câu chuyện huyền bí trên như một lời nguyền, một nỗi ám ảnh trong tôi …

Vâng, linh hồn những người chết trong chiến tranh Việt Nam vẫn luôn mong được siêu độ. Bởi họ chưa vừa lòng với những việc làm chưa tốt hàng ngày, dân nghèo đang mất đất, mất ruộng, nạn tham nhũng làm nát tan đất nước, tham nhung từ trung ương đến tận xã phường, con người ngày càng vô cảm , đất nước mất đất, mất đảo và đang đứng trước nguy cơ xâm lăng, rồi bao nhiêu tệ nạn nhiễu nhương khác. Ôi, những linh hồn không thể siêu thoát ! Những người chết trong chiến tranh còn nợ mẹ già, nợ em gái làng quê yêu dấu một giọt nước mắt chia tay.

Nên các Đại lễ cầu siêu diễn ra suốt mấy năm nay ở Điện Biên Phủ, ở Ngã ba Đồng Lộc, ở Nghĩa trang Trường Sơn, ở Núi Bạch Mã nơi đại ngàn Trường Sơn, ở Phú Quốc, Côn Đảo… mà hàng ngàn Sư thầy ở Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo các tỉnh và giới tăng ni, phật tử liên tục tổ chức trong tiếng kinh cầu, trong ánh sáng của ngàn cây nến và đèn hoa đăng với mong mỏi tột cùng : anh linh của các anh được siêu thoát tịnh độ. Phật quan niệm :ánh lung linh ở ranh giới đất trời là ánh sáng của Phật pháp. Vong linh thấy ánh sáng đó mà về nương tựa cõi Phật sẽ được an lạc và siêu thoát . Đó là đức hạnh của người sống. Nhưng nếu mà ta tổ chức các Đại lễ cầu siêu cho người chết ở Huế Ngày Thất thủ Kinh Đô, người chết năm Mậu Thân, tổ chức lễ cầu siêu định kỳ hàng năm khắp ba miền cho những người chết trong chiến tranh Việt Nam, thì sẽ bao dung, nhân đạo biết bao nhiêu và chắc chắn những linh hồn sẽ mau độ tịnh siêu thoát.

Nhưng Phật cũng dạy rằng, không ai có thể siêu độ cho ai. Không ai có thể giải thoát cho ai. cầu nguyện chỉ mang tính cách biểu tượng, để thể hiện tấm lòng thương kính và biết ơn đối với người đã mất. Cầu nguyện để là làm nguôi đi những nỗi đau của những người còn sống. Những câu kinh tụng da diết cất lên nơi hương đàn không chỉ cho người quá cố mà hơn hết là nhằm giáo dục cho người sống phương pháp tu tập và làm phước. Cho người sống thương yêu nhau hơn, hòa hợp hơn . Nghĩa là thương nhớ tri ân người chết thì hãy tu thân tích đức cho đến lúc thành chánh quả. Đào ao chẳng đợi trăng sao / Khi ao có nước trăng sao hiện về.

Lễ cầu siêu nén nhang nghi ngút tâm linh nguồn cội. Cả nước một lòng mong các anh tịnh độ, và nguyện với các anh một điều thiêng liêng nhất : Xin linh hồn các anh ngàn năm siêu thoát, chúng tôi còn sống đây đều là con dân nước Việt, chung lòng chung sức làm cho dân giàu, nước mạnh , quyết không để mất một tấc đất, tấc biển, tấc trời của Tổ Quốc thân yêu của chúng ta !

1 comments on “Hãy cầu siêu cho những người chết trong chiến tranh Việt Nam

  1. VNCH, biết mới tiếc…

    Sau 36 năm Miền Nam rơi vào tay cộng sản, ngày nay không chỉ những người sinh sống tại Miền Nam Việt Nam trước đây, không công nhận lá cờ đỏ sao vàng của đảng cộng sản Việt Nam mà ngay cả những người trong nước cũng không tôn trọng lá cờ này mặc dù đó là lá cờ đang tung bay khắp lãnh thổ Việt Nam ngày nay. Người Việt hải ngoại tôn trọng lá cờ vàng ba sọc đỏ, không chỉ thuần túy vì đó là lá cờ của Việt Nam Cộng Hoa, của chính phủ Miền Nam Việt Nam mà vì đó là một biểu tượng cho một quốc gia mà đáng lẽ dân tộc Việt Nam phải có, một chính phủ tự do dân chủ, một nền kinh tế thịnh vượng, một xã hội công bằng bác ái mà lá cờ đỏ và cái chính phủ Việt gian cộng sản ngày nay tại Hà Nội sau 36 năm làm chủ đất nước đã chứng minh những điều ngược lại…..

    http://viettudo.com/b%C3%ACnh_lu%E1%BA%ADn_t%E1%BA%ADp_1/b%C3%ACnh_lu%E1%BA%ADn_s%E1%BB%91_25

Bình luận về bài viết này