PHÓ CHỦ TỊCH LỚ NGỚ…


Posted on 29.09.2012

Nguyễn Thị Phương Nga- Biên tập viên trang chauxuannguyen.

…Như mưa ngày nào thấm ướt vai em
Như mưa ngày nào khuất lấp sao đêm
Thương em ngày nào khóc ướt môi mềm.

Thương nhau thật nhiều biết mấy tin yêu
Cho nhau trọn tình dẫu có điêu linh
Xa nhau trọn đời vẫn nhớ thương nhau…

Những lời hát đầy yêu thương và lãng mạn này là của nhạc sỹ Nguyễn Trung Cang trong sáng tác “Thương nhau ngày mưa”. Nguyễn Trung Cang là bạn thân của ca sỹ Elvis Phương và cũng là một thành viên của ban nhạc Phượng Hoàng rất nổi tiếng trước năm 1975 ở miền Nam. Cùng với Lê Hựu Hà ông đã sáng tác rất nhiều bản tình ca còn mãi với thời gian, còn mãi trong lòng người yêu nhạc. Các bài hát của ông luôn có ca từ rất đẹp nghe sâu lắng, êm đềm.

Nhưng hôm nay tôi viết không phải là về nhạc sỹ Nguyễn Trung Cang.

Viết như vậy là lạc đề.

Điều tôi muốn viết cũng là về một ông tên Trung Cang nhưng mà là Phạm Trung Cang. Ông này là Phó Chủ Tịch Hội Đông Quản Trị của ngân hàng Eximbank vừa từ nhiệm khỏi cương vị của mình.

Không như ông Trung Cang nhạc sỹ, ông Trung Cang Phó chủ tịch này có kỹ năng viết lách quá tệ. Cũng chẳng đòi hỏi ở ông được nhiều trong chuyện viết vẽ vì ông là dân ngân hàng chứ không phải dân yêu đương, sáng tác lãng mạn… Nhưng viết một tờ giấy có nội dung nghèo nàn và cẩu thả để từ nhiệm một chức vụ cao chót vót của một ngân hàng lớn như Eximbank thì thật là khó tin và đó là sự thật.

Tờ giấy này choẻn ngoẻn có mấy dòng, thư không ra thư mà đơn cũng không ra đơn.

Nếu là thư thì chỉ cần viết: “Sài gòn ngày tháng năm…” hoặc “Sài gòn, đêm buồn buồn vô tận!!!” xong rồi “Kính gửi lãnh đạo…” hoặc “Em yêu thương…”

Còn nếu là đơn thì phía dưới tiêu ngữ của quốc gia “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…” phài là ĐƠN TỪ NHIÊM hoặc BẢN TỪ NHIÊM… Xong rồi “Kính gửi…”

Nội dung cũng phải nên khúc chiết và đường hoàng, nên đưa ra được lý do từ nhiệm một cách thuyết phục chứ không phải tùy tiện như ra chợ mua gói xôi vì việc từ nhiệm đột ngột dễ làm ảnh hưởng đến hiệu quả của bộ máy và quyền lợi của các cổ đông

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập- Tự do- Hạnh phúc

Kính gửi: Hội đồng quản trị Eximbank

Tôi tên: Phạm Trung Cang,  sinh năm 1954

Kể từ hôm nay 19/9/2012 tôi xin từ nhiệm

Phó Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Ngân Hàng Eximbank

Lý do từ nhiệm:  việc riêng cá nhân

Nếu được Hội Đồng Quản Trị chấp nhận, tôi không còn là

thành viên Hội Đồng Quản Trị kể từ ngày 19/9/2012

Người từ nhiệm

Phạm Trung Cang

Lần đầu tiên xem tờ giấy từ nhiệm này của ông hẳn nhiều người không dám đoan chắc là do ông viết mà cứ nghĩ có khi là của thế lực phản động nào đó bày ra để gây chia rẽ hoang mang trong dư luận xã hội. Nhưng sau đó có nhiều báo khác đã đăng lại tờ giấy này bên cạnh ảnh của ông mà không thấy có sự đính chính, phản bác thì mọi người mới tin chắc rằng đúng ông là tác giả của nội dung từ nhiệm này.  Dân kinh tế không giỏi sáng tác thì đã đành nhưng là một trí thức đã trải qua quá trình đào tào ở bậc đại học và là lãnh đạo của ngân hang ngàn tỷ, làm ăn với nhiều đối tác lớn cả trong lẫn ngoài nước mà viết không hơn mấy em bé học tiểu học thì quả thật ông lớ ngớ quá. Nhiều bạn đọc còn cho rằng vì ông đã bị bắt nên cơ quan điều tra cho ông viết vội mấy dòng gửi về ngân hàng để trấn an khách gửi tiền của Eximbank cho nên mới có giấy từ nhiệm không giống ai như vậy. Nhưng Ban lãnh đạo Eximbank thì lại nói rõ với báo chí là việc từ nhiệm của ông được bàn giao trong một cuộc họp minh bạch của toàn bộ các lãnh đạo cấp cao của ngân hàng. Thời buổi thông tin lề phải ù ù cạc cạc thật chẳng biết tin ai nhưng dù giấy từ nhiệm của ông được viết trong trại giam hay trên bàn họp thì cách viết và nội dung đều rất lớ ngớ. Người lãnh đạo có tư thế khi viết một văn bản quan trọng như vậy đều rất cẩn trọng và nghiêm túc.Văn là người nên những gì mình viết ra thể hiện cái cốt cách cũng như trình độ của mình nhất là việc từ nhiệm vị trí Phó chủ tịch của một ngân hang còn phải được lưu trong văn bản của ngân hàng đó để thông báo cho các cổ đông biết cũng như có thể còn được copy rồi đồng gửi cho các cơ quan và các đối tác hữu quan hoặc công luận nữa. Nếu cơ quan điều tra cho ông viết từ trong trại giam họ cũng chẳng nề hà gì về thời gian với ông. Bắt ông thì đã bắt rồi nên việc để cho ông có khoảng nửa tiếng đồng hồ và ông cứ từ từ mà viết  sẽ chẳng hề ảnh hưởng đến công cuộc điều tra gì cả. Còn như  ông viết trong sự đồng thuận tại cuộc họp cùng ban lãnh đạo Eximbank thì lại càng nên tuân thủ quy định của ngành cũng như của chính ngân hàng này. Nếu ông có dốt thì lính lác của ông cũng nhiều người có trình độ viết lách, cứ kêu đám này đánh văn bản ra rồi ông ký cái xoẹt là xong. Vậy mà những gì thể hiện trong tờ giấy lôm côm được trưng ra cho công luận đã cho thấy, cũng như ông cả bộ sậu ban lãnh đạo Eximbank cũng rất vớ vẩn. Dường như dù mang cái mác là những đại gia lãnh đạo ngân hàng quản lý ngàn tỷ nhưng họ lại hành xử vô cùng cẩu thả, phiên phiến… giống như bọn vô học đá cá lăn dưa đầu đường xó chợ. Họ đã coi thường thanh danh của chính họ và cả các cổ đông cũng như dư luận xã hội. Với cái cung cách như đang diễn ra hiện nay chúng ta chắc sẽ còn thấy nhiều chuyện hay ho hơn của Eximbank trong thời gian tới?

Ở Việt Nam bây giờ giàu có có khi là một cái tội. Giàu mà lại lớ ngớ nữa thì tai họa ập đến hồi nào không hay. Ông Phạm Trung Cang hiện có khoảng hơn trăm tỷ, được nhiều người đánh giá là hiền lành và hình như ăn chay trường quanh năm. Vợ ông cũng được khen như vậy. Tức là người có của nhưng không khoe mẽ, không kiêu ngạo hống hách sống chan hòa với mọi người. Ba con của ông được ông cho đi tu nghiệp bên Mỹ cũng rất dễ thương, luôn cư xử như con nhà có học. Vậy mà bây giờ gia đình ông vẫn vướng chuyện tai ương! Giàu có mà hiền hậu thì thường hay có phước hưởng. Chắc có khi  do ông lớ ngớ quá mà bị lũ xấu rủ rê làm chuyện bất lương nên mới ra nông nỗi. Mong cho ông sẽ được giảm bớt tội trạng với nhân thân tốt của mình và qua cơn bĩ cực này thì bớt giàu lại và khôn ngoan, sâu sắc hơn.

Bình luận về bài viết này