Trung Quốc buộc phải xét lại chiến lược để duy trì ảnh hưởng ở Miến Điện

 

Posted by ttxcc6 on 23/11/2012

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa), tổng thống Miến Điện Thein Sein (trái) và Thủ tướng Lào and Laos' Prime Minister Thongsing Thammavong tại lễ khai trương Hội chợ Trung Quốc-ASEAN tại Quảng Tây, 21/09/2012. REUTERS/China Daily

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa), tổng thống Miến Điện Thein Sein (trái) và Thủ tướng Lào and Laos’ Prime Minister Thongsing Thammavong tại lễ khai trương Hội chợ Trung Quốc-ASEAN tại Quảng Tây, 21/09/2012. REUTERS/China Daily

Sau nhiều thập niên kềm giữ Miến Điện trong vòng ảnh hưởng của mình, Trung Quốc nay buộc phải thay đối chiến lược trong bối cảnh mà nước láng giềng này đang mở cửa chính trị và giang rộng vòng tay đón tiếp Hoa Kỳ.

Bây giờ không còn giống như thời mà Bắc Kinh, với tư cách hội viên thường trực Hội đồng Bảo an, có thể dùng quyền phủ quyết để tránh cho chính quyền quân sự Miến Điện bị Liên hiệp quốc trừng phạt. Cũng đã qua rồi thời kỳ mà phương Tây cấm mọi đầu tư và thương mại với quốc gia « bất hảo » này, để Trung Quốc tha hồ mua khí đốt Miến Điện và cung cấp đủ thứ hàng hoá cho thị trường này.

Vào tháng 03/2011, tập đoàn quân phiệt đã trao quyền lại cho một chính phủ « dân sự » bao gồm các cựu tướng lãnh. Từ đó cho đến nay, chính quyền dân sự này đã tiến hành rất nhiều cải tổ chính trị và kể từ nay, Miến Điện đã được coi như là một quốc gia bình thường, thể hiện qua chuyến viếng thăm lịch sử ngày 19/11 của ông Barack Obama, vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ đặt chân đến Rangun.

Cuộc « tấn công » ngoại giao của Mỹ dĩ nhiên đã gây khó chịu cho nhiều người ở Bắc Kinh. Tháng bảy vừa qua, ông Viện Bằng (Yuan Peng), thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế đương đại của Trung Quốc, đã viết rằng : « Hoa Kỳ sẽ sử dụng những phương tiện phi quân sự khác để làm chậm lại hoặc cản trở đà vươn dậy của Trung Quốc ». Ông Viện Bằng cáo buộc Washington phá vỡ mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Miến Điện, Bắc Triều Tiên và Pakistan.

Về phần giáo sư Trần Kỳ (Chen Qi), chyên gia về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, thì tin tưởng rằng quan hệ song phương Trung Quốc, Miến Điện sẽ không thể ngày một ngày hai bị xóa sạch. Nhưng theo vị giáo sư này, « nếu Miến Điện được quốc tế ủng hộ nhiều hơn, thì Trung Quốc phải tỏ ra khéo léo hơn về ngoại giao ».

Mất ảnh hưởng ngoại giao đồng nghĩa với mất quyền lợi kinh tế. Các doanh nghiệp Trung Quốc nay không còn nắm độc quyền thương mại ở Miến Điện, như họ đã từng làm mưa làm gió tại nước này trong suốt hơn hai thập niên dưới chế độ độc tài quân sự Rangun.

Các tập đoàn lớn của Trung Quốc cũng bị những vố rất đau : Tháng 09/2011, tổng thống Thein Sein đã đình chỉ một công trình đập thủy điện, do Trung Quốc xây và sản lượng điện là dành cho Trung Quốc. Tổng thống Thein Sein cho biết ông ra quyết định nói trên sau khi « lắng nghe » ý nguyện của người dân, vì công luận Miến Điện lúc đó rất quan ngại về những tác hại của con đập nói trên. Hành động của tổng thống Miến Điện rõ ràng đã là một bước ngoặt, cho thấy nước này không còn nể sợ anh láng giềng khổng lồ Trung Quốc nữa.

Như nhận định của nhà nghiên cứu Josh Gordon, thuộc đại học Yale, trước đây Trung Quốc có quan hệ rất hữu hảo với chính quyền quân sự, nhưng không hề tiếp xúc với xã hội dân sự cũng như người dân Miến Điện bình thường. Nay bối cảnh đã thay đổi, Bắc Kinh buộc phải xét lại cách tiếp cận đối với Miến Điện, nhất là vì dân Miến Điện có tư tưởng bài ngoại rất mạnh, nếu không khéo, họ sẽ phản ứng mạnh hơn trước ảnh hưởng của Trung Quốc.

Theo phân tích của ông Gordon, có thể là các dự án cơ sở hạ tầng và các dự án quy mô khác của Trung Quốc sẽ bớt đi, do sẽ có nhiều nước khác nhảy vào Miến Điện. Nhưng còn lâu Hoa Kỳ mới có thể chiếm được thị trường này. Hàng tiêu dùng Trung Quốc sẽ tiếp tục tràn ngập đất nước 60 triệu dân này trong một thời gian dài. Hệ thống phân phối ở Mandalay, thành phố lớn nhất của miền Trung Miến Điện, sẽ vẫn nằm dưới sự chi phối của các thương gia Trung Quốc.

Vấn đề là ngoài Hoa Kỳ, Bắc Kinh nay còn phải đối phó với mối đe dọa từ Nhật Bản. Tokyo nay đã tái lập viện trợ hào phóng cho Miến Điện và tham gia vào nhiều dự án công nghiệp lớn ở nước này. Chỉ có điều khác Mỹ là Nhật Bản không ồn ào, mà lặng lẽ từng bước củng cố vị thế của họ tại Miến Điện.

Bình luận về bài viết này