CHUYẾN THĂM MANG TÍNH BIỂU TƯỢNG: TẦM QUAN TRỌNG CỦA CAM RANH TRONG QUAN HỆ VIỆT-MỸ

Đặng Khương chuyển ngữ, theo Phía Trước

Phương Nguyễn[*]Center for Strategic & International Studies

Ngày 3 tháng Sáu vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta đã thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Vịnh Cam Ranh – nơi từng là căn cứ hải quân Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Việt Nam – và ông đã trở thành viên chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ chính thức đến đây kể từ khi cuộc chiến kết thúc. Việc này diễn ra với một thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nhằm trao đổi các chuyến thăm ở cấp bộ trưởng quốc phòng mỗi ba năm. Ông Panetta cho biết chuyến đi của ông là để cải thiện mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Sau đó ông bay đến Hà Nội, nơi ông đã được tiếp đón bởi đối tác từ phía Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Hai bên đã trao đổi các hiện vật thời chiến tranh và đồng ý mở rộng một số địa điểm tìm kiếm các quân nhân Mỹ mất tích trong thời chiến tranh Việt Nam.

Việt Nam từng miễn cưỡng thúc đẩy mối quan hệ quân sự với Hoa Kỳ, tuy nhiên, việc mời ông Panetta tới Vịnh Cam Ranh là một bước đi táo bạo. Ông Thanh cho biết, mối quan hệ quốc phòng thân thiện, ổn định và toàn diện với Hoa Kỳ là lợi ích chung của cả hai nước cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong tinh thần đó, ông khuyến khích các tàu hậu cần và kỹ thuật Hoa Kỳ đến các cảng thương mại của Việt Nam. Hai Bộ trưởng đã đồng ý nâng mối quan hệ quốc phòng song phương lên một tầm cao mới, với phát biểu của ông Panetta rằng, “Chúng tôi có một mối quan hệ phức tạp nhưng chúng tôi không bị ràng buộc bởi lịch sử đó”. Ông Panetta cũng nhắc lại rằng bất kỳ sự hỗ trợ quân sự nào từ phía Hoa Kỳ cũng sẽ đòi hỏi Việt Nam cải tiến về vấn đề nhân quyền.

Chuyến thăm của ông Panetta là một biểu tượng sống động trong mối quan hệ Mỹ-Việt được tăng cường chỉ 17 năm sau khi bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Đối với Hoa Kỳ, tiếp cận vào cơ sở ở Vịnh Cam Ranh có thể trở thành một khía cạnh quan trọng trong mối quan hệ Việt-Mỹ. Kết hợp với cảng Changi ở Singapore và Vịnh Subic ở Philippines, Cam Ranh có thể thúc đẩy sự tiếp cận của Hải quân ở Biển Đông và hỗ trợ các nỗ lực của họ trong việc bảo vệ tự do hàng hải ở những vùng biển này. Bằng cách mời ông Panetta đến thăm Cam Ranh, Việt Nam củng cố lại thông điệp mà họ đã gửi ra đầu tiên khi mở lại cảng này để tàu Hoa Kỳ vào thăm tàu vào năm 2009: chào đón sự tham gia của Hoa Kỳ trong các hoạt động hàng hải ở Biển Đông. Tất nhiên, những trở ngại sẽ tiếp tục giúp mối hợp tác quân sự ngày càng sâu đậm hơn. Quan trọng nhất là hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, điều mà ngay cả những người ở Washington cũng háo hức thừa nhận rằng cần nêu rõ các mục tiêu có thể thực hiện được trong thời gian ngắn hạn. Các lãnh đạo phía Việt Nam vẫn kêu gọi Hoa Kỳ tiếp tục lãnh đạo khu vực và muốn mở rộng hợp tác song phương, kể cả các lĩnh vực an ninh, hàng hải, thương mại, và kinh tế.

Để đáp lại thiện chí chưa từng có của Hà Nội, Washington có thể sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước, bao gồm các chuyến thăm và trao đổi ở cấp cao, tăng cường tập trận chung, hỗ trợ giáo dục quân sự và đào tạo sĩ quan Việt Nam, phối hợp giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại, cũng như điều phối hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Sự ra đời của mối quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ mang nhiều hứa hẹn nhưng không kém phần tinh tế, và cần thời gian để tạo dựng niềm tin cũng như hiểu biết lẫn nhau để phát triển.

[*] Phương Nguyễn là nghiên cứu sinh Chương trình Đông Nam Á thuộc CSIS chuyên trách vấn đề Việt Nam.

© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012

***

‘VN sẽ không cho Mỹ vào Cam Ranh’

Theo BBC

‘Tâm điểm ngày nay’, một chương trình bình luận thời sự quốc tế của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, đã có một buổi bàn về việc Hoa Kỳ tăng cường quan hệ quân sự với một số nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Buổi phát sóng kéo dài 30 phút hôm thứ Tư ngày 13/6 trên kênh Hoa ngữ CCTV4 đã mời các ông Doãn Châu, giáo sư của Học viện Quốc phòng trực thuộc Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc và ông Nguyễn Tông Trạch, phó giám đốc Học viện Quan hệ Quốc tế Trung Quốc, để bàn về chủ đề này dưới sự điều khiển của người dẫn chương trình Lỗ Kiện.

Khi được hỏi liệu Việt Nam có mở cửa Vịnh Cam Ranh cho quân đội Mỹ hay không, ông Doãn nói mặc dù phía Mỹ đang mong muốn điều này nhưng phía Việt Nam sẽ không đáp ứng vì nước này biết rằng Mỹ vẫn đang tìm cách lật đổ chế độ cộng sản của họ và ủng hộ để thành lập một chính phủ thân Mỹ.

Ông Nguyễn thì cho rằng mặc dù Hoa Kỳ có thể mong muốn có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đối với một số quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương’, những nước này sẽ không hoàn toàn sẵn sàng cho Mỹ lợi dụng để kiềm chế Trung Quốc vì điều này sẽ gây tác hại đối với nền kinh tế quốc gia của họ do mối quan hệ kinh tế chặt chẽ mà họ đang có với Trung Quốc.

Vành đai chữ C

Đề cập đến nỗ lực gần đây của Hoa Kỳ muốn lôi kéo các nước như Việt Nam và Ấn Độ, Lỗ Kiện hỏi các vị khách rằng liệu có phải Hoa Kỳ đang muốn tạo một vành đai hình chữ C để khống chế Trung Quốc hay không.

GS Doãn trả lời rằng ông tin rằng Mỹ không cố gắng làm điều này cũng như sẽ không có khả năng thực hiện trong tương lai. Theo ông Doãn thì mối quan hệ tốt đẹp cả về kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc với các nước Asean, Ấn Độ, Hàn Quốc và Úc cho thấy một sự gọng kìm như thế là không tồn tại.

Ông cũng cho rằng việc Mỹ quay trở lại châu Á là chỉ để củng cố mối quan hệ đã bị suy yếu với các quốc gia trong khu vực do họ đã tập trung vào các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq trong thời gian qua.

Còn ông Nguyễn Tông Trạch nói với việc triển khai quân ở Nam Hàn, Nhật Bản và Úc thì Mỹ đang tạo thành một gọng kìm hình lưỡi liềm để kiềm chế Trung Quốc mặc dù ông cũng nói thêm rằng ông nghi ngờ tính hiệu quả của một thế trận như thế có khả năng kiềm chế được Trung Quốc hoàn toàn.

Trong trường hợp Ấn Độ, ông Nguyễn nhận định nước này luôn muốn có một đường lối đối ngoại độc lập và không muốn được xem như là một con cờ của Mỹ. Còn các quốc gia khác ông cũng cho rằng họ chỉ muốn được lợi từ cả Mỹ và Trung Quốc.

Phòng thủ tên lửa

Chương trình hôm 13/6 cũng thảo luận cuộc tập trận chống tàu ngầm của ba nước Mỹ, Nhật, Úc mà một số người cho là nhằm vào lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc trong khu vực.

GS Doãn Châu thừa nhận rằng cuộc tập trận chống tàu ngầm này có thể ở mức độ nào đó là nhằm vào Trung Quốc, nhưng nhiều khả năng hơn là nhằm vào Nga vì các tàu ngầm hạt nhân của Nga là mối đe dọa lớn hơn đối với Mỹ so với tàu ngầm Trung Quốc.

Còn ông Nguyễn thì nói cuộc tập trận này là một cuộc thử nghiệm chiến lược nhiều hơn là việc thực thi một chiến lược có sẵn để kiềm chế Trung Quốc.

Về các tin tức cho rằng Hoa Kỳ đang xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương với việc họ đang triển khai các hệ thống phòng chống tên lửa ở Nhật, Hàn Quốc và Úc, ông Doãn nhìn nhận có khả năng hệ thống này nhằm vào Trung Quốc vì nước này có công nghệ tên lửa tiên tiến nhất trong khu vực.

Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng mối đe dọa trực tiếp nhất đối với Mỹ ở khu vực vẫn là Bắc Hàn.

Bình luận về bài viết này