ASEAN: Từ Bali đến Phnom Penh

 

Văn Trường (Danlambao) – Hội Nghị Ngoại Trưởng Asean 2012 đã bế mạc, với chuyện Trung Cộng phá vỡ được sự liên kết của các thành viên Asean, đưa đến kết quả hội nghị không có được thông cáo chung. Đây được xem là thắng lợi của chiến thuật đòn bẩy kinh tế của Trung Quốc, trong mưu đố chiếm trọn biển Đông. Chúng tôi xin mời các bạn nhìn lại những gì đã xảy ra từ khi có DOC 2002, cùng ý đồ của Trung Cộng trong âm mưu nuốt trọn Biển Đông, để từ đó ta có thể thấy được biến chuyển trong những ngày tới.
Đây là lần đầu tiên trong 45 năm của Asean mà một Hội nghị Bộ trưởng không có thông cáo chung, trong khi đó Campuchia cáo buộc Việt Nam và Philippines bắt nạt các nước khác trong quá trình bàn thảo nội dung thông cáo. Campuchia – chủ tịch Asean năm 2012 – nói rằng không hài lòng với đòi hỏi của hai nước này, và Ngoại trưởng Campuchia nói không có chuyện nước ông bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc, trong khi dư luận chỉ trích và cáo buộc Campuchia ngả về phía Trung Quốc, nước đã dành nhiều viện trợ cho Phnom Penh.
Dù cho lời ngụy biện khéo thế nào, đã là không sự thật thì không thuyết phục được ai, phía Campuchia thì phân trần, là muốn đưa ra tuyên bố chung mà không nhắc đến tranh chấp Biển Đông. Campuchia cũng nói rằng Hội nghị của ngoại trưởng Asean không phải là tòa án, hay một nơi phán quyết về tranh chấp, và Campuchia không theo nước nào trong xung đột song phương. Trong khi tay chủ chốt TQ, một ngày sau khi hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Asean bế mạc, đã lên tiếng ca ngợi thành công hội nghị đã diễn ra trong bầu không khí tốt đẹp.
Tân Hoa Xã đưa tin theo lối trắng thành đen “Qua trao đổi thẳng thắn và sâu sắc, Bộ trưởng Ngoại giao của các nước Asean ca ngợi sự nỗ lực và đóng góp của Trung Quốc trong thúc đẩy hợp tác giữa Trung Quốc và Asean”. Và Dương Khiết Trì Ngoại trưởng TQ thì nói “các hội nghị ngoại trưởng đã tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, đạt được nhiều thành quả”, và tuyên bố thêm “nhận xét và lập trường trên các vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực của Trung Quốc đã nhận được sự cảm thông và ủng hộ của nhiều nước tham dự hội nghị”.
Chúng ta đã biết toàn vùng biển đông, mà mọi người hiện nay gọi là vùng tranh chấp, của 6 nước Việt nam – Philippines – Malaysia – Brunei cùng hai anh Tầu cộng và Tầu Đài loan, thực sự là của ông cha chúng ta tự những năm của thế kỷ 17 và có phần còn sớm hơn thế nữa. Ông cha chúng ta chiếm hữu và sử dụng lâu dài hai quần đảo vô chủ này, đặt chúng dưới chủ quyền của đất nước ta, chứng tích lịch sử, tài liệu, bản đồ, chúng ta có đủ, theo đúng luật biển nó hoàn toàn thuộc về chúng ta.
Nhưng phải thấy là chúng ta không may, khi có một láng giềng to xác xấu tính là TQ. Lợi dụng cái khó khăn của dân tộc ta trong chiến tranh, rồi hành động càn rỡ kiểu kẻ cướp bá quyền, TQ chiếm  quần đảo Hoàng Sa, và một phần Trường Sa của chúng ta. Từ thủ đoạn lén lút của kẻ trộm năm 1956 (hai đảo Phú Lâm và Linh Côn), đến vũ lực của kẻ cướp những năm 1974 Hoàng Sa – 1988 Trường Sa – Và bây giờ biển đông của VN, Bắc triều đã ngang nhiên tuyên bố là vùng lãnh hải là của họ.
Kết quả đạt được trong diễn đàn lần thứ 44 tháng 07-2011, là bản hướng dẫn thực hiện tuyên bố DOC 2002, trên thực tế đã không đem lại được những gì, mà các nước Asean tham dự mong đợi, sau một thời gian quá dài trông đợi là gần 9 năm. Thật rõ ràng, chỉ vì nó không trấn an được các nước trong khối Asean, họ không an tâm trước cách hành xử, luôn trấn áp các nước nhỏ của TQ, do đó các nước muốn có được, một bản nguyên tắc ứng xử COC, có tính ràng buộc pháp lý hơn hầu đối phó với TQ.
Về phía Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton cũng tuyên khi kết thúc AMM 44: “Đó chỉ là bước đi đầu tiên, cần hành đông nhanh chóng tiến tới một bộ quy tắc ứng xử trên cơ sở luật pháp quốc tế”, và bà cũng kêu gọi về một bộ quy tắc ứng xử COC (Code Of Conduct) toàn diện hơn và mang tính ràng buộc. Như ta đã biết năm 2002, Asean không làm được COC với TQ, mà chỉ đạt được một bản DOC không có tính ràng buộc.
Đã thế vào năm 2011, Asean lại gặp nhiều khó khăn mà nguyên nhân chủ yếu cũng lại là từ phía TQ, như trong nội dung bản thảo, của bản hướng dẫn về phương thức làm việc, Asean mong muốn 4 nước Việt nam – Brunei – Malaysia – Philippines gặp nhau trước, rồi gặp các nước thành viên khác còn lại của Asean, sau đó mới gặp TQ. Nhưng TQ từ chối, theo TQ nếu như thế tức thừa nhận có sự tranh chấp, hay rõ hơn Trường Sa sẽ trở thành vấn để giữa Asean với TQ.
Điều này cho ta thấy, TQ muốn thể hiện vai trò “ông trùm” khu vực, mà TQ tự cho mình có cái tư cách đó trong mọi giải quyết, luôn phủ nhận thực tế sai trái của mình trên biển Đông. Trong khi về phía Asean, thì họ đang trông đợi sau DOC, họ sẽ có được một COC mà họ muốn có, như vậy kết quả đem lại từ AMM44, là bản hướng dẫn, thì đó chỉ là hình thức bên ngoài, nếu không muốn nói là tính cách phô diễn chính trị, cho thấy có sự hợp tác và trên cơ sở xây dựng lòng tin.
Mà nói tới lòng tin giữa các bên, thì trên thực tế toàn khối Asean, không một thành viên nào của Asean, thật sự tin là TQ thành thật hợp tác cả. Chuyện của năm 2012 với cuộc xung đột Scarborough, và 9 lô dầu VN đã chứng minh điều đó. TQ cố tình kéo dài thời gian, vì hiện trạng tại biển Đông đang có lợi thế cho TQ, trong khi chính quyền VN không có một hành động nào tích cực chống đối sự chiếm hữu bất hợp pháp HS-TS của TQ. Còn những gì đang gây chú ý cho dư luận, đó lại cũng là những hành động lấn át của TQ, xảy ra, hoàn toàn, nằm trong lãnh hải kinh tế 200 hải lý hợp pháp, của các nước nạn nhân.
Do đó, khi nói rằng cái tính chất lưu manh của TQ là ở chỗ này. TQ muốn biến vùng hợp pháp của người ta, thành vùng tranh chấp, còn vùng đang tranh chấp, tức là cái lưỡi bò do họ dựng lên, trở thành vùng hợp pháp của riêng họ. TQ chỉ muốn Hà Nội đàm phán song phương trên vấn đề chồng lấp của lằn ranh chín khúc của cái lưỡi bò lấn sâu vào thềm lục địa Kinh tế 200 hải lý của VN, còn HS theo họ đó là lãnh thổ hiển nhiên của TQ, không có gì để thương lượng (RFA 25-08-11).
Chính vì vậy mà Philippines luôn kiên trì tuyên bố, là phải phân định rõ rệt, các vùng biển nào là tranh chấp, và vùng biển nào không tranh chấp, và bắt đầu từ ngày 29-07-2011 phát ngôn viên ngoại giao Philippines, tuyên bố họ tìm hậu thuẫn, từ các thành viên Asean cho đề nghị trên của Philippines. Theo họ sự tách biệt vùng tranh chấp, và không tranh chấp, sẽ làm giảm căng thẳng trong khu vực, khi đó với vùng không tranh chấp, các nước chủ quyền có thể khai thác tài nguyên của riêng mình, còn vùng tranh chấp thì có thể hợp tác chung trong khai thác.
Trong khi chờ đợi một phương thức để giải quyết tranh chấp, thì Philippines đang tăng cường sức mạnh quân sự, luôn cứng rắn đương đầu cùng TQ, trong sự bảo vệ quyền lợi của mình, với tình hình như thế, nhiều người e ngại cho một cuộc chiến sẽ xảy ra giữa hai bên. Mặt khác Phillippines luôn yêu cầu được đưa ra phân xử trước tòa án quốc tế, cả thế giới mọi người đều biết, TQ không bao giờ chấp thuận đàm phán đa phương, hoặc cao hơn nữa là đưa vấn đế tranh chấp ra trước tòa án quốc tế.
Điều này rất dễ hiểu, TQ biết như thế TQ sẽ thua, vì trên cơ sở TQ hoàn toàn không chứng minh, được tính xác thực của những bằng chứng, dùng để bảo vệ cái lập luận, đường lưỡi bò là đúng đắn. Có rất nhiều nhận xét, nhưng ở đây chúng tôi chỉ xin đơn cử tiêu biểu chỉ một cho thấy thế giới họ biết rất rõ vấn đề nhận vơ bẩn thỉu này của TQ chứ không phải không. Đó là phát biểu ngày 29-07-2011 của chuyên gia Dan Blumenthal, từng là Vụ trưởng Vụ Trung Quốc của bộ Quốc phòng Mỹ, điều trần trước nhóm nghị sĩ phụ trách vấn đề Trung quốc (China Caucus) của hạ viện Mỹ.
Chuyên gia Dan Blumenthal nói “Đòi hỏi chủ quyền đường lưỡi bò của TQ ở biển đông, dựa trên sự giải thích mập mờ về lịch sử, và diễn giải sai lệch luật quốc tế”, ông nói thêm là“TQ từ chối cách diễn giải luật tập quán quốc tế, mà Hoa Kỳ và hầu hết các nước tham gia công ước Quốc tế về luật biển (UNCLOS) sử dụng”.
Từ DOC 2002 đến AMM44 Bali Indonesia – Và AMM45 vừa bế mạc tại Phnom Penh Campuchia, qua thời gian và qua cả hai lần hội nghị AMM phía nhà nước VN, nhìn sự việc ra sao, chúng tôi cũng xin tóm tắt. Năm 2011 phía VN đã đồng thuận với TQ qua câu nói của Nguyễn Chí Vịnh tại Bắc Kinh: “Không tiến hành bất cứ hành động nào nhằm mở rộng, phức tạp hóa tranh chấp, những vấn đề chỉ liên quan đến VN và TQ thì giải quyết song phương”. Cũng đầu tháng 09/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp kiến sứ thần TQ Đới Bỉnh Quốc, và chấp nhận những gì Bắc Kinh sắp đặt, cho vấn đề biển đảo cùng biên giới của lãnh thổ VN.
Lúc đó báo trong nước đăng lời Thủ tướng Dũng nói “Về biên giới lãnh thổ, thủ tướng đánh giá cao kết quả đạt được khi thực hiện thỏa thuận trong các văn kiện liên quan đến biên giới lãnh thổ giữa hai nước, qua đó hai bên đã xây dựng được đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển”. Với lời phát biểu này, tiện thể chúng tôi chỉ xin nhắc lại chuyện Hiệp ước vịnh Bắc bộ năm 2000, thỏa thuận và âm thầm ký kết song phương hai nước với nhau, khiến lãnh hải VN mất đứt 10% (khoảng 12.000 km vuông), mà cho tới bây giờ chính quyền vẫn cố che giấu.
Ngày 13/07/2012 Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh bày tỏ sự thất vọng, sau khi Asean không thể đưa ra tuyên bố chung, vì mâu thuẫn quanh vấn đề Biển Đông: “Chúng tôi đã nỗ lực hết mình để có một tuyên bố chung, vì thế rất là thất vọng”. Đây là lần đầu tiên phía VN cho chúng ta thấy ít nhiều sự quan tâm cùng cố gắng của phía Ngoại Giao trong vấn đề quyền lợi lãnh hải VN, trước bàn tay thủ đoạn TQ. Chuyện Dương Khiết Trì bày tỏ sự biết ơn trong cuộc gặp TT Hunsen, về “sự ủng hộ bền bỉ và kiên định” của Campuchia đối với những vấn đề có liên quan đến “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc đã nói lên điều đó (Tân Hoa Xã 10/07).
Qua khoảng thời gian khá dài từ khi có DOC đến nay là chẵn 10 năm, đủ để ta thấy một TQ chủ trương kéo dài thời gian nằm ngoài vòng kềm tỏa của các ràng buộc pháp lý, do đó với một COC không dễ gì các nước Asean có được sớm với TQ. Mà dẫu có được COC sớm đi chăng nữa cũng khó cầm chân được một TQ tráo trở hung hăng đang đói dầu và nạn nhân mãn, chúng đã tuyên bố hôm 09/07 là rồi đây trong tương lai là cả COC cũng “không thể được sử dụng để giải quyết tranh chấp chủ quyền”. Trong khi đó với những đàn em như một “Campuchia đang cho thấy mình là con ngựa mồi của Trung Quốc” sẽ sẵn sàng làm “Kẻ phá vỡ khối đoàn kết Asean”.
Trong tranh chấp Bãi đá Scarborough cùng Philippines, cuộc đối đầu của hai bên cho thấy vấn đề trước mắt là chuyện bên nào được phép đánh bắt cá, nhưng đằng sau là toan tính của TQ, cố giành cho được chủ quyền với toàn bộ 3,5 triệu km vuông biển Đông. Và đây không chỉ là vấn đề song phương hai bên, mà là một cục diện đa phương, qua đó TQ sau vụ này sẽ áp dụng đường lối cứng rắn của họ, để đưa các nước Asean vào “khuôn phép”, do đó người ta e ngại một cuộc xung đột, sẽ không tránh khỏi mà chủ động sẽ là TQ.
Còn qua chuyện chúng tung tin Thái lan hay Malaysia, thuận hợp tác trong khai thác dầu khí của Việt Nam, cũng bắt nguồn từ chuyện tháng qua, TQ đã thành công trong chuyện xé lẻ một vài quốc gia Đông Nam Á, điển hình là Campuchia và Thailand. Người ta đã thấy TQ dùng đòn bẩy kinh tế trong cản trở sự hợp nhất của Asean, rồi đây họ sẽ còn ngăn không cho vấn đề biển Đông, trở thành vấn đề giữa họ cùng các nước Đông Nam Á.
Sống gần một láng giềng như TQ, lại thêm sự yếu hèn của nhà nước VN, những mong an toàn cho chế độ, nhưng thử hỏi cứ lùi bước mãi trước những đòi hỏi không ngừng của TQ có phải là giải quyết hợp lý? Trong khi đó chứng minh hùng hồn là dân ta vẫn tồn tại được cho đến ngày nay trước bao lần phương Bắc động binh, thì thiết nghĩ với sức mạnh toàn dân đoàn kết, thì đánh giặc Tầu không khó.
Lịch sử nước Việt đã chứng minh dân tộc Việt không phải là một dân tộc khiếp nhược, và nay là thời hoàn cầu liên minh, cái khôn ngoan trong cuộc đấu tranh giữ nước là ta phải biết tìm đúng đồng minh để liên kết. Cái cần nhất là phải cương quyết, phải gạt bỏ suy nghĩ tự ti nước ta nhỏ, còn TQ là nước lớn cần phải nhịn nó, cái cứng rắn của Philippines trong đối đầu cùng TQ đáng để ta suy gẫm. Giữa cái hy sinh và cái nhục mất nước, thì mất nước là lớn.

Bình luận về bài viết này