Thế giới trong năm 2012

Posted by basamnews on 25/06/2012

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

THẾ GIỚI TRONG NĂM 2012

Tài liệu Tham khảo đặc biệt

Thứ bảy, ngày 23/6/2012

(Jessica Tuchman Mathews – Carnegie Endowment for International Peace)

Sự thay đổi trong năm 2011 đã đi vào lịch sử. Sau một năm diễn ra hàng loạt sự kiện như Sự thức tỉnh Arập, cuộc khủng hoảng đồng euro, thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản, việc tiêu diệt Osama bin Laden và phản ứng không thể đoán trước được đối với các cuộc bầu cử Quốc hội Nga gần đây, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa trả lời được để lại cho năm 2012.

Chủ đề của năm 2011 là sự ngạc nhiên và thay đổi nhanh chóng và điều này dường như sẽ tiếp tục diễn ra trong năm 2012.

Năm 2011 sẽ được nhớ đến như thế nào?

Không nghi ngờ gì, năm 2011 sẽ được nhớ đến với Sự thức tỉnh Arập, và có lẽ – vẫn còn quá sớm đế biết chắc chắn cả một sự thức tỉnh chính trị ở Nga.

Câu chuyện duy nhất có thể so sánh với Sự thức tỉnh Arập là cuộc khủng hoảng đồng euro. Nếu khu vực đồng euro hoặc Liên minh châu Âu tan rã, các sự kiện này sẽ có thể so sánh được về ý nghĩa lịch sử với những gì đã xảy ở Trung Đông.

Việc tiêu diệt Osama bin Laden và thậm chí trận động đất và sóng thần tàn phá cũng như cuộc khủng hoảng hạt nhân xảy ra sau đó của Nhật Bản cũng không vươn lên ngang tầm lịch sử như vậy. Sự cố ở Fukushima đã đặt một dấu hỏi lớn về khả năng của một cuộc phục hưng hạt nhân. Tình trạng ấm lên toàn cầu vẫn có thể đưa thế giới hướng tới năng lượng hạt nhân như một dạng điện năng không phát thải khí cácbon – và vẫn còn quá sớm để nói như vậy. Nhưng đó là một sự kiện lớn khi Nhật Bản và các nơi khác với các nước lớn như Đức lựa chọn hủy bỏ từng bước các nhà máy hạt nhân và các nước khác làm chậm lại các kế hoạch phát triển hạt nhân. Việc làm chậm lại các kế hoạch này có thể là một điều tốt, đặc biệt ở Trung Quốc và Ấn Độ, khi mà các kế hoạch hạt nhân được hình dung đang phát triển cực nhanh. Sự tăng trưởng chậm hơn sẽ làm tăng khả năng phát triển an toàn hơn.

Năm 2011 hóa ra là một bât ngờ lớn. Mọi thứ xảy ra mà không ai có thể dự đoán chúng sẽ xảy ra trước đó hai tuần. Sự bất ngờ là nét chủ đạo của năm 2011 và sẽ là sáng suốt khi chúng ta cho rằng điều không mong đợi sẽ lại tái hiện trong năm 2012.

Những vấn đề toàn cầu chủ yểu nào sẽ định rõ tính chất năm 2012?

Năm 2012 sẽ lại là một năm lịch sử nữa. Điều đầu tiên để nhìn vào là những vấn đề xảy ra ở Trung Đông – Irắc, Xyri và Iran.

Trong khoảng thời gian sau khi kết thúc cuộc chiến tranh ở Irắc và quân Mỹ rút đi, Thủ tướng Nuri Kamal al – Maliki đã có những động thái đáng ngạc nhiên chống lại các nhà lãnh đạo Sunni – ngay sau khi những người lính Mỹ cuối cùng vượt qua biên giới, vẫn còn quá sớm để nói liệu Irắc có sẽ được tháo gỡ hay không, nhưng tôi sẽ chẳng ngạc nhiên chút nào nếu tình hình trở nên xấu hơn nhiều.

Vào thời điểm này năm tới, Bashar al – Assad sẽ là một cựu tổng thống và chế độ Xyri hiện nay sẽ không còn nữa. Nhưng các câu hỏi đặt ra là nó sẽ kết thúc như thế nào, mức độ bạo lực trong tiến trình này ra sao, và có bao nhiêu người thiệt mạng. Liệu cộng đồng quốc tế có đóng một vai trò mang tính xây dựng hay không và liệu Liên đoàn Arập sẽ đẩy mạnh hoạt động như liên đoàn này đã từng làm ở Libi và tỏ ra có hiệu quả hơn so với trước tới nay hay không? Có những hậu quả lớn – ít nhất là – đối với Libăng, Iran, Ixraen và Thổ Nhĩ Kỳ.

Chúng ta đang bước vào một giai đoạn đặc biệt nguy hiểm ở Iran. Tin tức tình báo mới nhất cho biết Iran đang có kế hoạch mở rộng các hoạt động làm giàu urani ở một cơ sở ngầm dưới mặt đất gần Qom. Ixraen đã tham gia một cuộc tranh luận về việc liệu nước này có tấn công trước khi một cơ sở như vậy hoàn toàn đi vào hoạt động hay không? Hoạt động chính trị kiểu này đối với Chính phủ Mỹ trong một năm bầu cử thật là đáng sợ. Đây sẽ là một cuộc chiến tranh mà Ixraen có thể mở đầu nhưng không thể kết thúc. Trong khi đó, các ứng cử viên Cộng hòa đang tìm cách vượt lẫn nhau về độ hiếu chiến đối với Iran. Mỹ có thể bị lôi kéo vào hành động quân sự sẽ làm cho giá dầu toàn cầu tăng vọt và tất cả khả năng dẫn đến một sự bùng nổ chủ nghĩa khủng bố Shiite.

Tại nơi khác, cuộc khủng hoảng đồng euro có thể nhấn chìm thế giới vào suy thoái, vẫn còn chưa rõ liệu có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng này hay không và liệu khu vực đồng euro có tiếp tục tồn tại hay không?

Cũng có một câu hỏi tiếp tục về Ápganixtan và Pakixtan. Mọi việc ở Pakixtan đang chuyển từ tồi tệ sang khủng khiếp. Căng thẳng hiện có xu hướng gia tăng giữa giới quân sự đầy quyền lực và chính phủ dân sự nước này, và có thể hình dung rằng một cuộc đảo chính quân sự có thế châm dứt một kỷ nguyên cai trị dân sự nữa trong năm 2012. Và tất cả điều này đã trở nên phức tạp hơn bởi cuộc chiến tranh ở Ápganixtan, vốn đang diễn biến không tốt. Trong cuộc chiến kéo dài tới một thập kỷ này, hai năm khối NATO có con số thương vong cao nhất là năm 2010 và 2011.

Ở trong nước, do thất bại của cái gọi là siêu ủy ban trong việc nhất trí về các giải pháp giảm bót thâm hụt hồi mùa Hè vừa qua, có một mối lo ngại thực sự về viêc cắt giảm ngân sách được cho là sẽ diễn ra sau đó. Việc cắt giảm sâu rộng toàn diện chi tiêu quốc phòng thay vì cắt giảm được đưa ra để phù hợp với môi trường chiến lược bên ngoài có thể đang gây tổn hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm lẩn tránh đòi hỏi cắt giảm tự động ngân sách trong năm 2013 chỉ nhấn mạnh sự bất lực của Mỹ trong việc ổn định nền tài chính của mình vào một thời điểm khi mà nhiều nước khác đang phải giải quyết những vấn đề vô cùng khó khăn hơn. Bức tranh hoạt động chính trị rạn nứt bế tắc của Mỹ đang có một tác động lớn ở nước ngoài đối với những nhận thức của các nước khác về ảnh hưởng và quyền lực Mỹ – và dĩ nhiên, đối với điều đáng ước ao của tấm gương Mỹ. Điều này tai hại theo những cách thức khó mà định rõ hoặc xác định số lượng nhưng không thể phủ nhận về mặt ảnh hưởng.

Các cuộc bầu cử quốc hội Nga vừa qua cho thấy tầng lớp trung lưu mới và các thế hệ trẻ hơn ở Nga sẽ đứng lên và nói rằng “thế là quá đủ” . Trong các cuộc biểu tình trên đường phố suốt tháng 12/2011, những người đối lập nói rằng “Chúng tôi muốn có một tiếng nói trong bộ máy cầm quyền, chúng tôi nhất định phải được coi trọng, và chúng tôi không muốn 12 năm nữa dưới thời Vladimir Putin.” Giao ước xã hội cũ giữa nhà nước và xã hội có thể không còn chấp nhận được nữa đối với đại đa số dân chúng. Nếu điều này xảy ra, chúng ta không biết liệu Putin sẽ đối phó như thế nào, và tôi chắc chắn rằng ông ta cũng không biết phải đối phó ra sao. Một sự suy yếu mạnh mẽ tính hợp pháp của Putin cũng không thể giúp được gì ngoài việc có những tác động lớn đến chính sách đối ngoại của Nga.

Tất cả điều này mới chỉ chạm nhẹ đến bề mặt những gì mà năm 2012 sẽ lưu giữ lại cho thế giới.

Liệu Sự thức tỉnh Arập sẽ vẫn tiếp tục?

Đúng vậy, nó sẽ tiếp tục. Năm 2012 sẽ là một năm khó khăn, nhung đây không phải là điều bất ngờ. Mùa Xuân Arập là một sự dùng từ sai. Đó không phải là một mùa, hoặc thậm chí là một quá trình thay đổi kéo dài cả năm. Còn hơn thế, 2011 là năm khởi đầu một thập kỷ hoặc một giai đoạn nhiều thập kỷ với sự thay đổi sâu sắc trong thế giới Arập.

Người ta phải nghĩ về Sự thức tỉnh Arập trong những điều kiện này và không nên tin rằng một cuộc bầu cử ở một nước là thời điểm xác định rõ ràng mà từ đó không có sự quay trở lại. Tất cả sự quá khích trước việc những người Hồi giáo lên cầm quyền ở Ai Cập là một ví dụ cho kiểu suy nghĩ này. Trên thực tế, chế độ dân chủ sẽ có thể là một ảnh hưởng ôn hòa lên những người Hồi giáo qua thời gian vì việc cầm quyền đòi hỏi khắt khe hơn nhiều so với sự chống đối. Các cuộc bầu cử đầu tiên không phải là cuối con đường, mà chỉ là một sự bắt đầu.

Tuy nhiên, năm 2012 sẽ là một thời kỳ khó khăn cho các chính phủ mới vì họ sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc đem lại tiến bộ về kinh tế. Người dân trên khắp khu vực này đang đòi có những thành tựu kinh tế, nhưng trong bối cảnh hiện nay khó có thể thấy các chính phủ có thể đem đến tiến bộ đó như thế nào.

Liệu cuộc khủng hoảng đồng euro có đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2012 hay không? Liệu hồi kết của đồng euro đang đến gần?

Người ta luôn quên rằng Liên minh châu Âu là một thực thể kinh tế lớn hơn so với Mỹ. Những gì xảy ra ở châu Âu có những ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu, nhưng quy mô của tác động này sẽ được quyết định bởi việc khu vực đồng euro sẽ thay đổi ra sao và liệu nó có bỗng nhiên nổ tung hoặc tìm ra cách nhanh chóng tiến tới sự tồn tại hay không.

Châu Âu dường như đã cam kết sẽ cứu đồng euro. Vấn đề đặt ra là áp dụng những bước cần thiết để làm điều đó đòi hỏi một mức độ ý chí chính trị lớn của từng chính phủ. Để có được sự tán thành chính trị ở trong nước, các nhà lãnh đạo cần phải chờ cho đến khi các nền kinh tế đi đến bờ vực thăm, ở từng giai đoạn, tiến trình chính trị chỉ có thể được đẩy lên trước một bước khi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải hành động. Tiến trình này được lặp đi lặp lại.

Vấn đề đặt ra với việc này là nó có nghĩa rằng chi phí để cứu đồng euro tiếp tục gia tăng. Người châu Âu không thể vượt trước các thị trường. Nếu các nhà lãnh đạo có khả năng làm những gì mà đưa nền kinh tế toàn cầu đi đến bờ vực thẳm hiện không phải là cách dễ chịu để tiến lên phía trước.

Thật không may, khó có thể thấy được bất kỳ sự lựa chọn thay thế nào. Mối quan hệ khủng khiếp giữa hoạt động chính trị và kinh tế sẽ tiếp diễn khi các bước kinh tế cần thiết không được chấp nhận ở trong nước nếu nền kinh tế không ở bên bờ vực thẳm.

Cho đến nay, đã có một quyết tâm mạnh mẽ nhằm duy trì đồng euro, nhưng người ta còn phân vân liệu khi nào thì tình trạng kiệt sức sẽ bắt đầu. Hơn nữa các thị trường sẽ không để cho vũ điệu này diễn ra mãi mãi. Bất chấp hậu quả ra sao, tình hình này sẽ được giải quyết trong năm 2012. Tuy nhiên, công cuộc phục hồi sẽ phải mất nhiêu năm.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ định hình chính sách đối ngoại của Mỹ như thế nào?

Có ba khu vực mà hoạt động chính trị sẽ tác động rõ ràng nhất đến chính sách. Trước tiên đó là Trung Quốc. Mỹ có một lịch sử lâu dài trong đó đảng không nắm quyền – bất kể là đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa – chỉ trích quyết liệt đảng cầm quyền về việc tỏ ra quá tử tế với Trung Quốc.

Năm nay sẽ không phải là trường hợp ngoại lệ. Trung Quốc sẽ trải qua một sự chuyển giao ban lãnh đạo của chính nước này. Sẽ có một cuộc bầu cử ở Đài Loan, và nếu chính phủ hiện nay ở đó, chính phủ ủng hộ việc thiêt lập lại quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh, bị thay thế, có một khả năng căng thẳng có thể tăng lên nhanh chóng ở hai bờ eo biển Đài Loan, gây mất ổn định cho cả khu vực này. Bất kể việc này diễn ra như thế nào, Chính phủ Mỹ sẽ nghe thấy những yêu cầu lớn tiếng đòi cứng rắn với Trung Quốc theo cách nước này không thể làm khác được. Quả thực, việc gần đây Tổng thống Obama nói về sự chuyển hướng của Mỹ sang châu Á có thể là một động thái ưu tiên trước chống lại các cuộc tấn công đúng như vậy.

Vấn đề tiếp sau đó là Ixraen. Tổng thống Obama sẽ phải chịu nhiều sức ép đòi chứng tỏ rằng ông yêu quý Ixraen nhiều như những người Cộng hòa, đồng thời Chính phủ hiện nay của Ixraen, nói một cách lịch sự, không hoàn toàn là một lực lượng có tính xây dựng vì hòa bình. Với việc Ixraen tiếp tục xây dựng các khu định cư và không ngừng đánh trống khua chiêng sẽ có hành động chống lại Iran, vấn đề này có thể đặt ra một thách thức lớn cho Chính phủ Mỹ.

Lĩnh vực thứ ba, có thể là một trọng tâm chính của chiến dịch tranh cử, là cuộc thi xem ai là người tỏ ra cứng rắn nhất đối với Iran. Sự thật là thế giới cuối cùng có thể cần phải chung sống với một nước Iran có khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân – một cái gọi là “gần như có thể”. Nếu người Iran tỏ ra thông minh, đây sẽ là mục tiêu của họ.

Mối đe dọa lớn nhất từ vũ khí hạt nhân Iran không phải là các nhà cầm quyền Iran là những người điên rồ sẽ phát động một cuộc chiến tranh hạt nhân, mà là nó sẽ tạo ra cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở một trong những khu vực nguy hiểm nhất trên thế giới và là nơi mà các chính phủ có tiền để trang trải cho cuộc chạy đua đó.

Điều hết sức quan trọng là Mỹ đã làm tất cả những gì mà nước này có thể để ngăn không cho việc này xảy ra. Chính quyền Obama đã nỗ lực hết sức mà không đạt được thành công. Cánh tay dang rộng của vị tổng thống này đã bị Têhêran từ chối. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt đã có hiệu quả và hoạt động ngoại giao để có được sự hợp tác của Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực này đang có những bước tiến chậm chạp. Tuy vậy, chúng ta không thể quên rằng nếu chế độ Assad sụp đổ ở Xyri, Iran sẽ mất một đồng minh quan trọng nhất của mình. Các chính phủ suy yếu ở nước ngoài thường có những động thái ở trong nước để chứng tỏ dũng khí của họ và làm sao lãng người dân của họ khỏi sự thất bại đó.

Giai đoạn chuyển giao ban lãnh đạo của Trung Quốc có ảnh hưỏng gì đến tầm nhìn toàn cầu của nước này hay không? Điều đó có ý nghĩa gì đối với sự cân bằng quyền lực ở châu Á?

Trong khi đây là một sự thay đổi ban lãnh đạo mang tính thế hệ ở Trung Quốc, chúng ta rất có thể sẽ chứng kiến sự tiếp nối về chính sách. Nhưng hiện vẫn còn nhiều câu hỏi đặt ra về Trung Quốc ngay cả dưới thời các nhà lãnh đạo hiện nay.

Đặc biệt là vẫn không chắc chắn về mức độ Trung Quốc sẽ hiếu chiến và có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa như thế nào trong việc sẽ khẳng định những tuyên bố lãnh thổ của mình, nhất là ở khu vực Biển Nam Trung Hoa. Trung Quốc đã có những bước đi hiếu chiến trong năm 2010, nhưng dường như đã nhận ra sự thiếu khôn ngoan trong những hành động đó và đã lùi bước đáng kể trong năm nay. Bắc Kinh cũng sẽ phải xử lý việc chuyển giao ban lãnh đạo ở Bắc Triều Tiên, luôn là một thời điểm khó đối phó nhất với đất nước bất ổn và nguy hiểm đó.

Đồng thời, Trung Quốc phải đối mặt với các vấn đề kinh tế của riêng mình. Bắc Kinh cần đẩy mạnh mức chi tiêu trong các hộ gia đình, nhưng việc này đặt ra mọi dạng căng thẳng ở trong nước cho một thế hệ lãnh đạo mới. Trong khi Trung Quốc sẽ phải vật lộn với những vấn đề đặt ra sau đó và tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại đáng kể, tôi không coi điều này có thể trở thành một cuộc khủng hoảng.

Việc Mỹ rút quân có ý nghĩa gì đối với Irắc và khu vục này? Cuộc chiến tranh Irắc kết thúc có ảnh hưỏng như thế nào đến quyền lực của Mỹ ở Trung Đông?

Khi một nhà lãnh đạo độc tài bị loại bỏ – có thể bởi một cuộc cách mạng hoặc bởi lực lượng bên ngoài – sẽ bỏ lại một khoảng trống quyền lực. Chỗ trống này gần như luôn được lấp đầy bởi các phe phái đấu đá lẫn nhau nhằm phân chia quyền lực, và trước đây tôi đã cảnh báo rằng sự hiện diện của đội quân chiếm đóng Mỹ ở Irắc đã làm trì hoãn cuộc đấu tranh này nhưng cuối cùng cũng không thể ngăn được điều đó sẽ xảy ra.

Việc kết thức cuộc chiến tranh kéo dài 9 năm ở Irắc đã giúp Mỹ có cơ hội bỏ lại đằng sau một số trách nhiệm. Nhưng điều này có nghĩa gì trong những điều kiện cụ thể hoàn toàn phụ thuộc vào những gì đang diễn ra trong hoạt động chính trị ở Irắc. Nếu cuộc tranh chấp giáo phái tăng lên, sẽ có một loạt vấn đề hoàn toàn mới đặt vào tay mỗi người, đặc biệt nếu ảnh hưởng của Iran tăng lên.

Chính phủ Irắc cần giữ cam kết phân chia quyền lực như đã được thỏa thuận giữa những người Shiite, người Sunni và người Cuốc. Nếu được như vậy, vẫn còn có hy vọng. Hiện còn quá sớm để nói rằng việc này sẽ diễn ra như thế nào, nhưng người ta phải nói rằng việc Al – Maliki chọn cách cáo buộc vị Phó tổng thống của ông về tội phản quốc trong vòng vài giờ Mỹ rút quân chẳng mang tính khích lệ chút nào.

Cộng đồng quốc tế sẽ đối phó ra sao trước những lo ngại ngày càng gia tăng về tham vọng hạt nhân của Iran?

Tin tức tình báo cho rằng người Iran đang lên kế hoạch mở rộng các đợt làm giàu urani trong một cơ sở ngầm dưới mặt đất ở gần Qom. Mỹ đã nói rõ với Têhêran rằng đây là một vạch đỏ không nên vượt qua.

Người Ixraen dường như đang nôn nóng đôi chút, nói rằng đây là một mối đe dọa đang tồn tại và không thể chấp nhận được và rằng họ sẽ cần phải hành động trước khi cơ sở này hoàn thành và vận hành. Nếu Ixraen hành động đơn phương trước tiên, Mỹ chắc chắn sẽ bị lôi kéo và chia sẻ mọi trách nhiệm với Ixraen, nhưng sẽ chẳng có được bất kỳ một sự thúc đẩy chính trị tích cực nào ở trong nước mà nước này lẽ ra được hưởng nếu đảm nhận vai trò dẫn đầu.

Điều đáng lo là hoạt động chính trị đó sẽ đẩy Chính phủ Mỹ đến chỗ phải hành động quyết liệt. Điều đầu tiên xảy ra sẽ là giá dầu tăng mạnh. Với một nền kinh tế toàn cầu mong manh, điều này sẽ khủng khiếp. Cũng sẽ có chủ nghĩa khủng bố Shiite, do Iran đã chuẩn bị cho kịch bản này diễn ra trong nhiều năm và sẽ kích hoạt các phần tử khủng bố. Cuối cùng, tôi tin rằng Mỹ sẽ hối tiếc sâu sắc trước một hành động leo thang quân sự.

Năm 2012 giữ lại ấn tưọng gì về cuộc chiến tranh ở Ápganixían và sự ổn định ở Pakixtan?

Quân đội Mỹ nói rằng họ đang giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh ở Ápganixtan, nhưng tôi không thấy bất kỳ dấu hiệu nào của điều này – thực tế còn hoàn toàn trái ngược. Có trở ngại rất lớn để đáp ứng thời hạn rút quân cuối cùng vào năm 2014 và để lại một đất nước ổn định không chịu sự khống chế của quân Taliban.

Vấn đề cần được xác định rõ ở Ápganixtan là thời điểm rút quân của Mỹ. Một mặt, thật dễ dàng để nói rằng sẽ là khôn ngoan khi định ra ngày rút quân, nhưng mặt khác dư luận Mỹ thiếu kiên nhẫn trong việc chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng này cũng như đặt ra một câu hỏi chính đáng liệu một cuộc chiến khác kéo dài 10 năm hoặc 20 năm nữa ở đất nước đó có thực sự làm cho mọi việc trở nên tốt đẹp hơn hay không.

Tuy nhiên, thời hạn cuối cùng đang hiện ra. Có ít dấu hiệu cho thấy NATO và Ápganixtan có thể xây dựng các lực lượng an ninh có khả năng giữ cho đất nước này bình an vô sự đồng thời bảo vệ Ápganixtan chống lại sự trỗi dậy của quân Taliban. Chính phủ, vốn yếu kém và đầy rẫy tham nhũng, và các lực lượng Ápganixtan sẽ đòi tài trợ nhiều hơn mức mà bản thân nước này có thế đáp ứng. Điều này làm cho họ trở thành nơi được cộng đồng quốc tế bảo vệ trong một tương lai không hạn định – vẫn chưa có ai tập trung vào thực tế này nhưng rõ ràng đó không phải là một kết quả lành mạnh.

Cùng lúc đó, tình hình ở Pakixtan chỉ đang ngày càng xấu đi và nước này nằm ở thứ hạng cao trong danh sách những mối lo ngại trong năm 2012. Có những dấu hiệu cho thấy có động thái được khôi phục lại của quân đội chống lại các nhà lãnh đạo dân sự. Mọi chính phủ dân sự trong lịch sử Pakixtan đều bị hạ bệ thông qua hành động quân sự và nền kinh tế nước này đang ở trong một tình trạng hết sức tồi tệ.

Quan hệ Mỹ-Pakixtan bị sa sút nghiêm trọng. Oasinhtơn sẽ cần cân nhắc lại mối quan hệ của mình với Ixlamabát. Cho đến nay, cách Mỹ chi tiền của mình ở Pakixtan đã vô tình khích lệ Pakixtan chi tiêu quá mức cho quân đội và làm cho nước này bị ám ảnh với Ấn Độ theo cách tiêu cực. Mỹ luôn định hình các chính sách của mình đối với Pakixtan với một mục tiêu khác lớn hơn trong đầu – trong trường hợp này là Ápganixtan. Với rất ít sự lựa chọn tỏ ra hứa hẹn, Oasinhtơn cần tìm ra cách tạo nên tác động mang tính xây dựng hơn đối với tiến trình của những sự kiện này.

Phải chăng năm 2012 sẽ là mội năm thất bại nữa trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu?

Vâng, tôi nghĩ như vậy. Rất ít điều sẽ xảy ra trong năm nay. Mỹ là một vấn đề, và với cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 11 tới, sẽ không có động thái gì trong Quốc hội. Trung Quốc hành động sẵn sàng hơn, nhưng nước này có một thách thức lớn hơn. Ấn Độ sẽ chờ đợi Mỹ và Trung Quốc. Và Nga, một nước đóng góp lớn, chưa được đánh giá đúng mức đối với vấn đề khí thải cácbon, còn lâu mới sẵn sàng có hành động tích cực.

Giới khoa học đang lo sợ. Chúng ta cần có hành động nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu trong vòng 5 năm tới dù là hành tinh này vẫn ở mức nhiệt độ an toàn. Không có lý do gì để lạc quan rằng hành động lớn sẽ bắt đầu trên một quy mô cần thiết mà không có sự rối loạn về khí hậu đáng kể để thúc đẩy các nước hành động.

Chúng ta đang cố trì hoãn để chờ cơ hội do Mỹ từ chối hợp tác trên lĩnh vực khí hậu. Tôi không tin rằng sự từ chối này thực sự có liên quan gì đến những nghi ngờ về mặt khoa học. Đó là về mặt tư tưởng và kinh tế: mọi người biết rằng cần có hành động và sự lãnh đạo chủ yếu của chính phủ để đối phó vấn đề khí hậu và người thắng và kẻ thua hiện nay trong nền kinh tế sẽ là khác nhau.

Mỹ cần hành động vì sự tiến bộ trên phạm vi toàn cầu và cuối cùng chúng ta sẽ phải định giá khí thải cácbon. Ngay khi khí cácbon được định giá, sẽ có sự thay đổi. Rốt cuộc chúng ta sẽ hành động, nhưng các câu hỏi được đặt ra là sẽ phải mất bao lâu, tốn kém bao nhiêu và thiệt hại không thể đảo ngược gây ra cho hành tinh này sẽ ở mức độ nào. Có một điều chắc chắn là: chúng ta càng chờ đợi lâu thì sẽ lại càng đau đớn hơn./.

Bình luận về bài viết này