Lời sám hối muộn màng

Nguyễn Anh Dũng – Trên miền Bắc Việt Nam vào thập niên 50 của thế kỷ trước, đảng và nhà nước CS Việt Nam, đã tiến hành cuộc cải cách ruộng đất “long trời, lở đất”. Với khẩu hiệu hành động Trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ đã biến làng quê Việt Nam vốn bình yên sau lũy tre làng, với hình ảnh quen thuộc như cây đa, giếng nước, sân đình… thành nơi đầy máu và nước mắt của những người dân bị “quy” thành địa chủ, kể cả những người được gọi là địa chủ kháng chiến, có công với cách mạng.
Hồ chủ tịch đã khóc và nhận trách nhiệm trước toàn dân, sau đó chiến dịch sửa sai được thực hiện. Một số cán bộ chủ chốt bị cách chức, những người bị oan sai thoát khỏi cảnh ngục tù, được phục hồi danh dự. Tuy nhiên oan hồn của những người là nạn nhân của “Đội cải cách” vẫn không thể siêu thoát. Lòng người bị ly tán, một sự sợ hãi bao trùm lên cuộc sống của người dân, là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc di cư vào Nam năm 1954. 
Những tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh về thời kỳ này, bị thu hồi và cấm xuất bản. Sau thời kỳ đổi mới, hiếm hoi lắm mãi gần đây, tiểu thuyết “Nước mắt một thời”, của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng (Hội nhà văn VN) mới được xuất bản. Với chất trữ tình của cuốn tiểu thuyết, với cách hành văn dễ hiếu và chân chất như “củ khoai, hạt lúa” và đặc biệt tính chân thực của nó đã lột tả được khung cảnh “nước mắt một thời”, để rồi mãi mãi trở thành “một thời để nhớ”. 
Lịch sử đã lặp lại, khi trình bày diễn văn bế mạc hội nghị trung ương 6, khóa XI ngày 15/10/2012. Người ta thấy tổng bí thư Đảng CS ông Nguyễn Phú Trọng nghẹn ngào, xúc động đến nỗi rơm rớm nước mắt: “Ban Chấp hành Trung ương xin nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân vì việc để xảy ra và chưa ngăn chặn được những khuyết điểm, yếu kém trong thời gian qua”. 
Có lẽ đó chỉ là những biểu hiện có tính chất an dân, không phải là sự đồng cảm với nỗi khốn khó toàn diện của người dân hiện nay! Cũng không phải là sự “Sửa sai” dưới hình thức chỉnh đốn đảng. Tuy nhiên cho dù là lý do gì đi chăng nữa, thì đây cũng có thể được coi là lời sám hối của người đứng đầu chế độ. 
Nhận thức là như vậy, còn hành động thì ra sao? Nghị quyết TW 4, 5 và 6, khóa XI được cho là thẳng thắn, nghiêm túc và quyết liệt đã qua đi, nhưng mọi việc vẫn nguyên như cũ! Không một ai bị xử lý theo kỷ luật Đảng và pháp luật của nhà nước. Như một phản ứng dây truyền, các tổ chức Đảng và cán bộ, công chức ở nhiều nơi, càng có điều kiện ngang nhiên làm trái pháp luật để hại nước, hại dân. 
Dường như từ trước tới nay, chưa bao giờ có được một nghị quyết của TW đảng về vấn đề quyền con người. “Hiện nay ở nước ta vẫn chưa có một cơ quan chuyên trách về vấn đề thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.. Sự tồn đọng của rất nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo ở nước ta trong thời gian qua đã chứng minh rõ điều đó”*. Thậm chí tạp chí nhân quyền Việt Nam từ khi ra mắt số đầu tiên ngày 14/7/2010 đến nay, vẫn không công khai, minh bạch trên công luận. Vậy thì làm sao“Chính thức tạo thêm kênh thông tin chủ lực.. đấu tranh với biểu hiện sai trái, thù địch về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam”! (VTV.VN, ngày 20/7/2010). 
“Đảng cộng sản VN là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật”. (Đ 4, Hiến Pháp). 
Tại sao phải “Hoãn phiên tòa vì các bị cáo chưa bị đình chỉ sinh hoạt đảng”? (Báo Pháp Luật VN 22/11/2007). Bản án đối với các Blogger Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải. Nhà báo Hoàng Khương, các thanh niên công giáo và dân oan, đã không có dấu hiệu gì được gọi là công lý. 
Gần đây nhất ngày 30/10/2012, cái gọi là phiên tòa xử nhạc sỹ Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình đã diễn ra với kịch bản: Bên ngoài thì dầy đặc các loại cảnh sát để theo dõi, khống chế, ngăn cản những người muốn theo dõi phiên tòa được gọi là “công khai” này. Bên trong thì: “Lúc ra tòa, việc của bị cáo là khai, việc của luật sư là cãi, còn việc của chủ tọa là tuyên cái bản án đã được “Bỏ túi” từ trước ấy mặc cho ai khai gì thì khai, cãi gì thì cãi” (Báo An ninh thế giới 22/12/2004). 
Các văn nghệ sỹ Họ sống và làm việc theo cảm xúc, bắt nguồn từ thực tiễn, có như vậy mới có tác phẩm đi vào lòng người. Ví như tiểu thuyết “Bước đường cùng” của NV Nguyễn Công Hoan,“Tắt đèn” của NV Ngô Tất Tố. Được xuất bản trong chế độ cũ, được xếp vào dòng văn học hiện thực phê phán. 
Thì nay ca khúc “Anh là ai”  “Việt Nam tôi đâu” cũng có tính chất hiện thực phê phán, những“Khuyết điềm yếu kém trong thời gian vừa qua” (HN TW 6, khóa IX Đảng CS). Nhằm góp phần bảo vệ tổ quốc, để cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Hơn nữa đây chỉ là cảm xúc của một cá nhân, không đại diện cho ai. 
Việc ngăn cấm lưu hành tác phẩm, xử tù tác giả có nghĩa. Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam không có tự do, dân chủ bằng nhà nước đế quốc, phong kiến trước đây hay sao? Việc xử án như vậy phải chăng nhằm răn đe, khủng bố tinh thần các văn nghệ sỹ? Thật là hài hước khi nhờ phiên tòa này, nhiều người lại truy cập và nghe ca khúc đó nhiều hơn, đúng là “Lợi bất cập hại”! 
Hồ chủ tịch trong tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 đã từng dõng dạc tuyên bố: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”*. 
Người dân đang phải âm thầm chịu đựng các cuộc khủng hoảng về kinh tế, về đạo đức, về văn hóa xã hội, về lòng tin, về tội phạm có tổ chức và nghiêm trọng hơn cả là khủng hoảng về nhân quyền. 
Đã qua rồi cái thời người dân bị ngăn cản và bưng bít thông tin, quyền sống bị trói buộc bởi các định lượng theo tiêu chuẩn tem phiếu. Phớt lờ việc thực thi các công ước quốc tế về nhân quyền, mà nhà nước CS Việt Nam đã cam kết thực hiện. 
Giờ đây, người dân đã ý thức được “Quyền con người không phải là sự ban phát của nhà nước, mà là quyền vốn có của người dân, do nhân dân đấu tranh mà dành được”*. 
Nguyên nhân vì sao có sự khủng hoảng nhân quyền đến như vậy? 
Thời gian đã đủ dài, thực tế đã chứng minh: Sự độc quyền thống trị của Đảng là nhân tố “Hạn chế sự phát triển có thể còn cao hơn nữa của đất nước” (HN TW 9, khóa IX – Báo Nhân Dân 13/1/2004). Thật không thể tin dẫu đó lại là sự thật, khi mà “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế XHCN” (Đ 12 HP). “Đã là nguyên tắc pháp trị thì mọi thành viên từ dân thường đến người cầm quyền, lãnh đạo đều phải tuân theo”*. 
Thì nay chính đảng và nhà nước đã làm trái những nguyên tắc hiến định đó. Tình trạng vô chính phủ đã xảy ra ở khắp nơi, đặc biệt tội phạm có tổ chức, chỉ bằng các giao dịch bất hợp pháp, đã ngang nhiên sai khiến được cả nguyên thủ quốc gia. Đã trở thành hiện tượng không có gì lạ. 
Biên giới trên bộ, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa đã bị xâm chiếm. Sâu trong nội địa, các phòng khám đông y, các công trình kinh tế đã trở thành những tiền đồn của Trung Cộng, nếu có xung đột xảy ra. Nhà nước CS Việt Nam đã giữ thái độ im lặng hoặc chỉ phản đối qua loa bằng lời nói và cũng chỉ muốn “giữ nguyên hiện trạng”. Trong khi đó cùng cảnh ngộ, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines không chỉ là lời nói mà cả hành đông để bảo vệ chủ quyền của mình. 
Các cuộc biểu tình yêu nước, bãi công, bãi thị, tố giác và báo tin về tội phạm, công khai bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa trên mạng thông tin toàn cầu Internet. Bị đàn áp, bắt tù đầy, bị đánh “chìm xuồng” bằng sự im lặng. 
Khi bị dồn đến bước đường cùng, buộc người dân phải có biện pháp “Phòng vệ chính đáng” (Đ 15 LHS), phải nổ súng chống lại bọn cướp ngày có vũ khí, dưới vỏ bọc “thi hành công vụ”, mà trường hợp cướp ngày của chủ nhiệm ủy ban tư pháp Nguyễn Văn Hiện – kẻ đứng đầu đường dây tham nhũng có tổ chức, đã khuynh đảo tòa án NDTC. Một kẻ thoái hóa biến chất, nay lại cao giọng trước quốc hội để dậy người khác về chống tham nhũng. Đồng thời cũng là dịp để lấp liếm những tội lỗi do chính mình gây ra! Là một trường hợp điển hình. 
Kết thúc hội nghị TW 6, lời sám hối của người đứng đầu chế độ, tuy muộn màng song còn hơn không. Liệu sự chỉnh đốn đảng lần này có làm cho Đảng trong sạch hơn không? Liệu người dân có còn hy vọng: “Điều cốt yếu là các quyền con người phải được bảo vệ bởi một chế độ pháp quyền để cho con người không buộc phải nổi dậy chống lại sự tàn bạo và áp bức, như là phương sách cuối cùng” (Liên Hợp Quốc – Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền, ngày 10/12/1948).
Blogger Nguyễn Anh Dũngnhà giáo – cựu chiến binh

Bình luận về bài viết này