Tiết kiệm

Thành Luận

Cho đến thời điểm này, hầu như mọi người dân trong nước đều phải tiết kiệm. Việc tiết kiệm ấy không phải do đã có ý thức tiết kiệm, mà do giá cả đã tăng lên quá nhiều, khiến người dân, dù muốn dù không cũng đều phải cố gắng cắt giảm chi tiêu, « thắt lưng buộc bụng »…

Một câu hỏi đặt ra: tại sao chúng ta phải tiết kiệm? Vì lợi ích quốc gia, hay tình hình lạm phát bắt buộc phải tiết kiệm? Câu trả lời thì đã quá rõ ràng: do lạm phát quá cao. Như thế, việc tiết kiệm là chẳng đặng chẳng đừng.

Những ngày qua, đã có nhiều ý kiến về việc tiết kiệm, nêu những biện pháp tiết kiệm từ nhỏ nhất như tiết kiệm giấy, tiết kiệm thức ăn cho đến những biện pháp mang tính vĩ mô như hạn chế chi tiêu công, dừng các dự án… Xét đến cùng, tất cả những giải pháp ấy chỉ mang tính thời vụ, và chắc chắn không thể giải quyết dứt điểm tình trạng lạm phát. Bởi vì, khi người dân phải tiết kiệm, mà điển hình nhất là việc cắt giảm chi tiêu, thì tất yếu sẽ dẫn đến một hệ quả: sức mua giảm, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế. Vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, không đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế cũng như việc đảm bảo và cải thiện mức sống của người dân.

Hơn nữa, đời sống xã hội có thực sự được nâng lên, được phát triển là tùy thuộc ở mức độ chi tiêu, thụ hưởng những tiện ích của cuộc sống cả về vật chất lẫn văn hóa tinh thần, chứ không tùy thuộc ở việc phải « thắt lưng buộc bụng ». Người dân có cảm thấy cuộc sống này hạnh phúc hay không, có đủ điều kiện để đảm bảo một cuộc sống đầy đủ hay không, đó mới là thước đo hiệu quả của một chính phủ, chứ không phải là việc bắt buộc phải tiết kiệm, hay cắt giảm chi tiêu.

Và thật ra, việc tiết kiệm chưa bao giờ, và không bao giờ phải là việc người dân buộc lòng phải cắt giảm chi tiêu cho nhu cầu sinh hoạt thường ngày. Ăn ngon, mặc đẹp, đi lại, dùng các tiện ích cao cấp trong cuộc sống… là nhu cầu bình thường của con người. Đồng tiền họ chi tiêu cho cuộc sống là do mồ hôi nước mắt họ đổ ra mới có. Và họ có quyền, và phải được hưởng một cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Quay trở lại vấn đề tiết kiệm do đâu? Ai cũng biết là do lạm phát. Vậy, thực hành tiết kiệm có phải đồng nghĩa với kiềm chế, hay giảm mức lạm phát? Xét một cách vĩ mô, nó có tác dụng ít nhiều. Song trách nhiệm tiết kiệm để giảm lạm phát lúc này lại phụ thuộc vào các chính sách của chính phủ, chủ thể chính danh điều tiết nền kinh tế đất nước, trong đó có tác động lên cung và cầu.

Thật ra, phải hiểu nghĩa tiết kiệm theo một nghĩa rộng… Nó không đơn thuần là cắt giảm 10% chi tiêu công, nó cũng không đơn thuần là dừng các dự án lại, lại càng không phải là việc hạn chế in ấn hay xài máy lạnh ở cơ quan, cũng như việc sử dụng xe công trong những dịp thật cần thiết. Tiết kiệm ở chính phủ, các tập đoàn kinh tế trực thuộc và các cơ quan công quyền, trước hết là tiết kiệm nguồn nhân lực và chất xám, sau nữa là phải thực hành “sự độc quyền” của mình một cách chuyên nghiệp…

Chẳng hạn trong kỳ họp quốc hội vừa qua, chính Bộ trưởng tài chính Vũ Văn Ninh đã khẳng định rằng: công tác dự báo không sát với thực tiễn dẫn đến lạm phát tăng, và việc đối phó, kiềm chế lạm phát là rất khó khăn. Như vậy, giả thiết đặt ra, nếu công tác dự báo sát với thực tiễn, thì tỉ lệ lạm phát ở VN có cao như đã thấy không? Cũng có thể không vì còn phụ thuộc vào hiệu quả của các biện pháp đối phó, nhưng chắc chắn một điều là dự báo sát thực tiễn là điều kiện tiên quyết cho các chính sách đúng đắn. Như vậy, cần phải có những chuyên viên dự báo tình hình có thực tài, để luôn luôn dự báo chính xác, hoặc gần đúng nhất tình hình thực tế. Những chuyên viên không có thực tài phải cắt giảm, hoặc phải bị bãi nhiệm. Nếu công việc này có thể thực hiện được, thì việc tiết kiệm của chính phủ đã mang tầm vóc vĩ mô, và chắc chắn người dân sẽ không phải thắt lưng buộc bụng như hôm nay!

Hay như ông Nguyễn Trung Thông, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo cải cách hành chính TP.HCM đã công nhận trong một cuộc đối thoại về cải cách hành chính trên TTO năm 2006 rằng: Đúng là trong bộ máy hành chính hiện nay vẫn còn một bộ phận cán bộ công chức yếu kém về năng lực chuyên môn, cần được bố trí thay đổi(2). Thế thì tại sao chúng ta không mạnh dạn thay đổi lực lượng cán bộ này. Nếu mạnh dạn làm điều đó, chắc chắn sự lãng phí về thời gian của nhân dân, ngân sách của Nhà nước sẽ được giảm đi đáng kể. Sự tiết kiệm này là rất cần thiết, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội…

Đối với việc dừng các dự án của chính phủ cũng thế. Thực sự, nếu đó là những dự án thúc đẩy sự phát triển của đất nước, của nền kinh tế – xã hội, thì cần phải làm, và phải làm thật hiệu quả. Đừng bao giờ để xảy ra thất thoát lãng phí như từng thấy trong các vụ tiêu cực như vụ PMU18… Hay trong việc cắt giảm chi tiêu công, nếu thực sự cần thiết và để giải quyết suôn sẻ công tác cải cách hành chính, cũng như bớt cảnh hành… là chính, thì vẫn phải chi, thậm chí còn phải tăng chi, nhưng phải tính đến hiệu quả. Đó là một cách tiết kiệm vĩ mô. Vì khi đó, người dân sẽ không phải tốn quá nhiều thời gian bị các cơ quan hành chính… hành. Mà việc tốn kém này, như GS Đặng Hùng Võ chỉ ra, chỉ cần chậm một ngày là đã lãng phí tới 1.444 tỉ đồng (TT 11-7).

Hay đối với các tập đoàn độc quyền thuộc nhà nước, thì việc tiết kiệm cũng không phải là cắt giảm chi tiêu hay đầu tư. Vì rõ ràng, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với nền kinh tế. Chẳng hạn như tập đoàn điện lực (EVN). Ai cũng biết đó là một tập đoàn độc quyền, ít ra là cho tới thời điểm này. Tiết kiệm ở EVN phải hiểu là thực hiện sự độc quyền một cách chuyên nghiệp, tức là phải tập trung mọi nguồn vốn, nhân lực… vào việc đảm bảo nguồn điện cung cấp cho kinh tế và sinh hoạt, chứ không phải đem tiền đi đầu tư vào các lĩnh vực khác như viễn thông, ngân hàng, bất động sản. Một khi điện bị cúp, thì đời sống của người dân bị ảnh hưởng đã đành, mà các công ty sản xuất cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi phải vứt bỏ lượng sản phẩm đang sản xuất dở dang…

Như vậy, điều dễ thấy nhất là việc thực hành tiết kiệm phải có chiến lược, và phải có sự can thiệp đặc biệt của chính phủ. Bởi lẽ, sự tiết kiệm phải là một kế hoạch mang tính chất vĩ mô bền vững, chứ không đơn thuần chỉ là các hành động đơn lẻ của người dân, cũng không phải là những lời nói mang tính chất lời hứa của chính phủ và các cơ quan công quyền.

Chính phủ và các tập đoàn kinh tế độc quyền phải thực hành sự độc quyền của mình một cách chuyên nghiệp và hiệu quả, tiết kiệm từ nhân sự (tức phải sử dụng nguồn nhân lực và chất xám tinh tuyển), cho đến chi tiêu, đầu tư… Còn người dân, như tuyên ngôn độc lập đã công nhận, họ có quyền hưởng tự do, có quyền mưu cầu hạnh phúc, tức là một cuộc sống đầy đủ, cả về tinh thần và tư tưởng… Làm được như thế, đó mới là điều đáng tự hào.

Theo: TCPT

Bình luận về bài viết này