SỰ LƯỠNG LỰ TRONG CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG

Lan Nhi, theo TBKTSG

Cơ chế kinh tế thị trường ở Việt Nam tuy đã được thiết lập 20 năm nay nhưng sự hiểu biết về nó vẫn chưa thật đầy đủ, cả trong cán bộ lẫn người dân.

Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình từ năm 2010 song theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: “Bẫy thu nhập trung bình mà Việt Nam có thể gặp sẽ không giống như trường hợp của Thái Lan hay Malaysia. Lý do có thể kẹt trong bẫy lâu không phải là vấn đề công nghệ hay kỹ thuật mà nằm ở thể chế kinh tế”. Bà phân tích thêm: Việt Nam đã có 25 năm cải cách kinh tế, đã đạt được các kết quả rõ rệt như nhanh chóng xóa bỏ chế độ hai giá, thả nổi tỷ giá thậm chí còn sớm hơn Trung Quốc, nhưng sau khi đạt được các tiến bộ này thì việc cải cách kinh tế theo cơ chế thị trường lại chậm lại. Bằng chứng là Nhà nước ngày càng có rất nhiều hành động can thiệp vào cơ chế thị trường. Bà cho biết, nhiều tổ chức quốc tế đã tài trợ cho các cơ quan của Việt Nam thực hiện các nghiên cứu về kinh tế thị trường, họ mong muốn Việt Nam có được một mô hình thị trường thật rõ ràng để có những đối sách thích hợp.

Tuần rồi, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ngân hàng Thế giới và Đại sứ quán Ireland đã công bố báo cáo “Cảm nhận về nhà nước và thị trường của người Việt Nam” (CAMS). Báo cáo đặt vấn đề “kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường hay kinh tế nhà nước?”. Câu trả lời chưa thật ngã ngũ, bởi theo kết quả điều tra, đa số người dân muốn thực hiện cơ chế thị trường, phát triển sở hữu tư nhân, nhưng lại ủng hộ việc can thiệp thị trường của Nhà nước.

Theo bà Chi Lan điều này cho thấy sự lúng túng về đường hướng, cơ chế phát triển kinh tế của Việt Nam đồng thời cũng thể hiện cơ chế thị trường còn mù mờ.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng có những suy nghĩ tương tự. Ông chỉ ra một tỷ lệ không nhỏ (28% người được khảo sát) đánh giá về tốc độ chuyển đổi sang kinh tế thị trường trong mấy năm gần đây là chậm và rất chậm hoặc không nhanh, không chậm (26% số người được khảo sát) là phù hợp với xu thế tăng nhanh các quyết định của Chính phủ vào hoạt động kinh tế, tốc độ cổ phần hóa chậm lại và việc cải cách doanh nghiệp nhà nước đã không thành công.

Hơn nữa, ông Doanh chỉ ra rằng con số 68% số người được khảo sát cho rằng Nhà nước nên can thiệp vào giá chứng tỏ giá cả ở Việt Nam chưa theo cơ chế thị trường và bị lũng đoạn bởi các tập đoàn nhà nước độc quyền, chẳng hạn như điện, xăng dầu…

Biểu hiện rõ nhất tính phi thị trường trong cơ chế giá ở Việt Nam là Pháp lệnh về giá (sắp tới là Luật Giá) và hoạt động của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính). “Đối với người dân, họ không thấy cơ chế thị trường nào cả mà chỉ thấy quyết định tăng giá phải phụ thuộc vào Nhà nước nên họ cho rằng vai trò của Nhà nước là cần thiết”, ông Doanh nói.

Kết quả nghiên cứu nói trên được minh họa rõ nét bằng dự thảo Luật Giá vốn gây nhiều tranh cãi trong những lần đưa ra lấy ý kiến. Trong phiên thảo luận tại cuộc họp của Thường vụ Quốc hội (ngày 11-4), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi với những người soạn luật: “Chúng ta đòi quốc tế công nhận là nước có nền kinh tế thị trường nhưng dự thảo Luật Giá, bình ổn giá thế này thì sao?”.

Trong dự thảo Luật Giá, dự kiến được thông qua tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 này, Chính phủ (cơ quan trình luật) và Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội (nơi thẩm tra luật) đã đưa một danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá và định giá rất rộng, ảnh hưởng mạnh đến quy luật cung-cầu. Thậm chí giá xăng dầu, giá điện bị đưa vào cả hai danh mục là bình ổn giá và định giá. Trong khi đó, khái niệm về các loại hàng hóa cần bình ổn hay cần định giá trong dự luật còn rất mù mờ. Chính Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, khi được Thường vụ Quốc hội hỏi ý kiến về vấn đề này đã nói thẳng: “Không nên đưa xăng dầu và điện vào danh mục cần định giá vì việc quản lý giá xăng dầu đã có Nghị định 84 và việc quản lý giá điện đã có Nghị định 24 của Chính phủ, trong đó gồm các quy định rất rõ ràng”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh: “Giá xăng dầu và điện muốn đi theo cơ chế thị trường mà Nhà nước còn muốn định giá là sao?”. Ông dẫn chứng việc định giá dịch vụ hàng không, chỉ là khung giá vé máy bay thôi, đã bị dư luận phản ứng thế nào.

Tuy nhiên, một phát hiện đáng chú ý nhất của CAMS là tỷ lệ ủng hộ kinh tế thị trường thấp nhất lại rơi vào số đại biểu Quốc hội và cán bộ làm việc tại Quốc hội (75%), trong khi 87% số người được hỏi nói chung ủng hộ thể chế kinh tế này.

“Có lẽ số đại biểu Quốc hội cảm thấy quyền lực và sứ mạng của mình quá lớn nên tỷ lệ ủng hộ cho kinh tế thị trường chưa cao chăng?”, ông Doanh đặt câu hỏi. Và ông khẳng định rằng, các tỷ lệ ủng hộ dù cao hay thấp đều cho thấy kinh tế thị trường tuy đã được thiết lập ở Việt Nam 20 năm nay nhưng sự hiểu biết về nó còn chưa thật đầy đủ và sâu rộng trong dân chúng và cán bộ.

Chính sự mù mờ, lưỡng lự trong cơ chế thị trường có thể dẫn đến khả năng đổ lỗi cho cơ chế này khi nền kinh tế gặp các vấn đề như khủng hoảng hay lạm phát.

Bình luận về bài viết này