Đâu là tình người?

 

 LTCG (22.04.2012)

Những ngày vừa qua, liên tiếp xảy ra những vụ nhà cầm quyền đánh đập và hành hung dã man những nhà tu hành, những người nghèo khó và ngay cả những em bé mồ côi, khiến người ta phải suy nghĩ về tình đồng loại.

Vượt xa hơn tình đồng loại

Đã có những thú vật đã từng là những kẻ tử thù của nhau bày tỏ tình thương cho nhau. Các câu chuyện dưới đây giúp chúng ta hiểu hơn về bản năng sinh tồn và lòng tương trợ đầy tính nhân văn của thú vật, kể cả những thú vật có tính hung dữ nhất.

Để kiểm chứng về tình cảm giữa các loài vật, một sở thú tại Bangkok, Thái Lan, đã đặt những chú heo con vào sống cùng với con hổ cái có tên là Saimai. Hổ cái Saimai đã không gặp khó khăn gì trong việc nuôi dưỡng những chú heo này. Không những thế, hổ mẹ chăm sóc và thương yêu đàn con không khác gì một cô nàng heo nái thực thụ.

BoonLau là một con khỉ đuôi dài, sống trong một ngôi chùa và được chăm sóc bởi các nhà sư ở Thái Lan. Trước đó, BoonLau bị những con chó tấn công nên bị mất một cánh tay, bị liệt và đang được nuôi trong  trong một chiếc lồng. Các nhà sư nghĩ rằng con khỉ cần có một bạn, vì vậy họ đặt một con thỏ vào trong lồng cùng với con khỉ. Toby, tên con thỏ và BoonLau sau đó đã trở thành bạn tốt của nhau.

Con voi con tên Themba đã bị mồ côi sau khi mẹ của nó ngã xuống từ một vách đá. Nó được giám sát chặt chẽ và những người canh giữ hy vọng rằng nó sẽ được nuôi dưỡng bởi một người mẹ khác. Tuy nhiên, sau một tuần, nó vẫn chỉ có một mình. Những người canh giữ đã đưa nó đến Trung tâm Phục hồi chức năng Động vật hoang dã Shamwari, nơi nó được làm quen với một con cừu tên là Albert. Khi nhìn thấy Themba, Albert sợ hãi giấu mình trong hang suốt 12 giờ nhưng sự kiên trì của Themba cuối cùng đã chiến thắng và Albert xuất hiện. Chúng nhanh chóng trở thành bạn bè và không xa nhau từ đó.

Con mèo rừng với tên gọi Shakira được sinh ra bởi một con mèo mẹ không có đủ sữa. Người chủ đã mang con mèo con đi khi mới 14 ngày tuổi. Nó được cho bú bình cho đến khi đủ khỏe để được làm quen với gia đình mới. Một con chó Nam Phi vừa mới sinh một lứa con, cùng lúc Shakira được đưa đến cho chó mẹ. Chó mẹ đã chấp nhận chú mèo con như là một trong những đứa con của mình. Shakira đã chơi, ăn và ngủ với những chú chó con như là một thành viên trong gia đình.

Có một con tinh tinh tên là Anjana thích chơi với báo. Nó đã khiến những người chăm sóc tại một khu bảo tồn động vật ở Nam Phi không khỏi ngạc nhiên. Nó cho chú báo bú bình và thậm chí nằm cạnh khi đi ngủ. Những người chăm sóc tại khu bảo tồn cho biết Anjana đã giúp đỡ họ rất nhiều trong việc nuôi chú báo. Nó yêu thương chú báo còn hơn cả mẹ đẻ của chú.

Bản chất dã thú của con người

Những thú vật kể trên tuy là loài dã thú, nhưng đã không đối xử dã man với những chủng loại khác.  Trong lúc đó những kẻ tự xưng là đồng bào, là “đầy tớ của nhân dân” lại có những hành động dã man với chính đồng bào của mình!  Tệ hơn thế nữa chính họ đã đập phá nơi nương thân của các trẻ mồ côi, mà theo lương tri của con người, lẽ ra họ phải có lòng thương và bao bọc các cháu. Cướp của người nghèo, ức hiếp và hành hung các nhà tu hành, đập phá nơi nương náu của các trẻ mồ côi… mà cứ cho mình là siêu việt, là anh hùng, là những người tạo ra “độc lập-tự do-hạnh phúc” ư?

Từ khi người cộng sản xuất hiện ở nước ta, họ đã ra tay biết bao nhiêu cuộc tàn sát đẫm máu dân lành: Từ các vụ đấu tố man rợ của cuộc cải cách ruộng đất tại Miền Bắc vào thập niên 1950 đến cuộc tàn sát đẩm máu Tết Mậu Thân.  Từ cuộc cải tạo tư sản sau năm 1975 đến hình thức giết chóc và đày đọa chính đồng bào của mình qua hệ thống nhà tù gọi là trại cải tạo.  Từ những vụ cướp đất của dân lành dưới chiêu bài “quy hoạch”, đến những vụ “ăn bẩn” đất đai và tài sản của các tôn giáo, thậm chí đập phá và chiếm đoạt nơi cư ngụ của các trẻ mồ côi vốn đã bất hạnh…Điều đó chứng minh thú tính của những con người được chế độ cộng sản “ưu việt” nhào nặn ra. Đó là kết quả của chủ trương “trăm năm trồng người” của Hồ Chí Minh, một chủ trương đã sản sinh ra những con người còn tệ hơn thú vật!

Ông Trịnh Xuân Tùng bị công an đánh chết 

Đã quá rõ bản chất tệ hơn dã thú của một chế độ cầm quyền!  Xin hãy nhìn cho rõ hỡi những ai còn mơ màng về chủ thuyết cộng sản.  Xin hãy nhìn cho kỹ hỡi những ai còn hồ hỡi rao giảng cánh chung luận” của Marxism.  Đã rõ chưa hỡi những ai đã từng phán Nếu ai không thích cộng sản, người ấy không nên yêu cầu chúng tôi khích bác họ”?Đã thấm thía chưa hỡi những ai chủ trương “hợp tác và đồng hành” với những loại người tệ hơn thú kia?

Muốn cải hoá những con người mang tính thú đó, xin hãy nghe cựu tổng thống Nga Boris Yelstin chia sẽ kinh nghiệm “Chế độ Cộng sản chỉ có thể thay thế chứ không thể thay đổi.”

Thái độ của Chủ chăn

Những năm gần đây máu của tín hữu các tôn giáo đã liên tiếp bị đổ ra vì bản chất dã thú của các “đầy tớ nhân dân”. Riêng về phía Công Giáo, máu của giáo dân Tam Tòa và của linh mục Nguyễn Đình Phú và linh mục Ngô Thế Bính đã bị đổ ra, máu của giáo dân Đồng Chiêm và của tu sĩ Nguyễn Văn Tặng đã bị đổ ra, máu của giáo dân Cồn Dầu đã bị đổ ra và anh Nguyễn Thành Năm đã bị giết một cách oan ức, máu của giáo dân Thái Hà và máu linh mục Nguyễn Văn Phượng đã bị đổ ra, máu của linh mục Nguyễn Quang Hoa đã bị đổ ra trên vùng đất Cao Nguyên… và gần đây máu của giáo dân và của linh mục Nguyễn Văn Bình đã bị đổ ra trên chính thủ đô ngàn năm văn vật của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam! Thế nhưng, phản ứng của các vị chủ chăn trước các sự việc đổ máu đó có hai thái độ khác biệt nhau.

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Bình – Chánh xứ Yên Kiện bị đánh đập dã man 

Các giám mục Cao Đình Thuyên và Hoàng Đức Oanh đã can đảm lên tiếng bảo vệ đoàn chiên. Đó là thái độ đúng đắn của người chăn chiên và rất đáng ca ngợi. Còn lại hầu hết các giám mục khác đều nhất tề im lặng.

Tháng 11 năm 2011, khi linh mục chánh xứ Thái Hà Nguyễn Văn Phượng bị hành hung, và gần đây linh mục Nguyễn Văn Bình bị đánh bất tỉnh, từ Toà Tổng Giám Mục Hà Nội có ra một văn thư nói về sự việc do linh mục chưởng ấn Phạm Hùng ký tên, tuy nhiên, người Công Giáo xem ra vẫn chưa thỏa mãn với sự ứng xử của Toà Giám Mục Hà Nội và nội dung của hai bức thư đó.

Ngoài hai giám mục kiên cường kể trên và một số rất ít các giám mục khác, ngày nay người tín hữu Công Giáo đã quá rõ bản chất và chỗ đứng của của các vị còn lại.

Lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cho thấy chưa bao giờ hàng ngũ các chủ chăn suy yếu như bây giờ. Nếu cứ như thế mãi, rồi đây tương lai của Giáo Hội đi về đâu?

Thái độ nên có của giáo dân

Cho đến bây giờ, người tín hữu Công Giáo chắc chắn đã biết đích xác lập trường, xu hướng và tấm lòng của từng vị chủ chăn.  Xin mọi người hãy bày tỏ thái độ của mình đối với các vị tùy theo mức độ các vị hy sinh, yêu thương, và lo lắng cho đoàn chiên. Riêng đối với người tín hữu Công Giáo Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, là những người đã may mắn thoát được sự cai trị bất nhân và đang hưởng bầu khí tự do, xin hãy có thái độ xứng hợp hơn với các chủ chăn đó, mỗi khi các vị đi ra nước ngoài “thăm mục vụ”. Hãy phân biệt ai chăn dắt đoàn chiên “vì lòng nhiệt thành tận tuỵ”, ai chăn dắt đoàn chiên “vì ham hố lợi lộc thấp hèn” (1P5,2), để có thái độ ứng xử thích hợp.  Hãy tỏ thái độ như Thiên Chúa qua tiên tri Ezekiel: Ta lấy mạng sống Ta mà thề – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng -, bởi chiên của Ta bị cướp phá và biến thành mồi cho mọi dã thú vì thiếu mục tử, bởi các mục tử chỉ biết lo cho mình mà không chăn dắt đàn chiên của Ta” (Ezekiel 34,8).

Sự đối xử xứng hợp của người tín hữu Công Giáo, nếu không cải thiện được tình thế hiện tại, thì ít ra cũng là bài học quý hóa cho các giám mục tương lai và góp phần xây dựng Giáo Hội hoàn thiện hơn.

Tôma Thiện Minh

Nguồn: NVCL

Bình luận về bài viết này